Được xác định là đối tượng chủ lực cho phát triển thủy sản Trà Vinh, nhưng nuôi tôm nơi đây đang phải đối diện với thách thức từ bài toán nguồn giống sạch.
Một trong những thế mạnh của Trà Vinh là nuôi trồng thủy sản (NNTS), trong đó, nuôi tôm là chủ lực. Năm 2013, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 26.000 lượt hộ thả nuôi tôm sú với diện tích hơn 30.000 ha, số lượng giống thả nuôi gần 2,3 tỷ con, thu hoạch 12.000 tấn, năng suất bình quân gần 0,5 tấn/ha. Với tôm thẻ chân trắng (TTCT), có hơn 4.600 hộ thả nuôi, với gần 1,25 tỷ con giống. Theo chiến lược phát triển NTTS, Trà Vinh thúc đẩy sản xuất các con nuôi chủ lực; trong đó có tôm sú, TTCT. Năm 2014, địa phương phấn đấu giá trị sản xuất ngành NTTS đạt 5.423 tỷ đồng, tổng sản lượng thủy sản 96.850 tấn.
Mục tiêu và tiềm năng là vậy nhưng thách thức để nuôi tôm phát triển bền vững với tỉnh Trà Vinh cũng không ít.
Ai cũng biết, giống là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả nuôi tôm cũng như chất lượng tôm nguyên liệu. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chưa trại giống nào sản xuất được giống TTCT; chủ yếu là phải nhập, vận chuyển con giống từ miền Trung và các tỉnh lân cận về bán lại cho người nuôi. Với tôm sú, năm 2009, toàn tỉnh có 124 cơ sở sản xuất được hơn 1,3 triệu con giống nhưng đến năm 2013 chỉ còn 98 cơ sở sản xuất khoảng 752 triệu con giống, đáp ứng được trên 30% nhu cầu sản xuất. Nhu cầu con giống quá lớn nên một số trại ương nuôi con giống không rõ nguồn gốc, thậm chí nhập lậu với giá rẻ và bán lại. Chính vì vậy đã kéo theo dịch bệnh, gây hại cho người nuôi.
Năm 2015, tỉnh Trà Vinh sẽ sản xuất hơn 2,6 tỷ tôm giống – Ảnh: Thanh Ngân
Nghề nuôi tôm chính là một nghề nông nghiệp kỹ thuật cao, một hoạt động công nghiệp; do vậy, đòi hỏi mức đầu tư tương đối lớn và trình độ quản lý kỹ thuật, vốn cao hơn so các nghề khác. Trong khi đó, hoạt động nuôi tôm của Trà Vinh còn manh mún, tự phát, nhỏ lẻ với hàng vạn hộ, mỗi hộ vài ao nuôi. Như vậy, rất khó áp dụng kỹ thuật cao để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cũng chính việc sản xuất nhỏ lẻ làm giá thành sản xuất cao, nên dù vụ tôm 2014 vừa rồi giá bán khá (248.000 đồng/kg tôm sú loại 20 con/kg); mức 133.000 đồng/kg TTCT – loại 60 con/kg, người nuôi có lãi nhưng không cao mà rủi ro thì nhiều.
Cũng chính nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất từ nguồn manh mún, từ hộ gia đình nên đương nhiên chất lượng không đồng nhất, rất khó kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh và khó truy xuất nguồn gốc.
Do vậy, nên chăng, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng quy trình nuôi chuẩn, Trà Vinh phải đầu tư xây dựng các khu nuôi thực nghiệm, phối hợp cùng các viện, trường và các công ty nuôi tôm lớn xây dựng quy trình nuôi tôm chuẩn, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế GAP, BAP, CoC và khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi năng suất cao và bền vững.
Để đạt mục tiêu đến năm 2015 sản xuất được 2,64 tỷ con giống tôm sú và TTCT, đáp ứng 53% nhu cầu của người tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2020 sản xuất 4,445 tỷ con, đáp ứng trên 96% nhu cầu. Trà Vinh cũng phải nhanh chóng mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế trên địa bàn, để tạo ra nhiều con giống chất lượng cao. Và hơn bao giờ hết, Trà Vinh cần phải có chiến lược phát triển lâu dài để chủ động nguồn tôm giống, quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm. Theo đó, cần phải nhanh chóng xây dựng, hình thành vùng sản xuất giống tập trung với diện tích 50 – 100 ha. Theo đó, Trà Vinh hoàn toàn có thể kêu gọi các nhà đầu tư có khả năng tài chính và công nghệ cao để sản xuất con giống chất lượng cao sạch bệnh và dễ kiểm soát.
Còn với vai trò của mình, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tích lũy vốn để phát triển công nghệ nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, liên kết với người nuôi trong việc kiểm soát chất lượng nguồn tôm nguyên liệu từ ao nuôi tránh thiệt hại cho người nuôi cũng như đảm bảo được sản phẩm cho xuất khẩu của doanh nghiệp.
>> Theo Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cơ sở sản xuất giống tôm mặn, lợ duy trì 110; đến năm 2015 sản xuất 2.640 triệu con giống, năm 2020 là 4.455 triệu con, năm 2030 là 4.950 triệu con. |