Nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát huy tiềm năng vùng duyên hải, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển nhiều mô hình nuôi tôm trên cát đạt hiệu quả cao. Trong đó, đáng chú ý là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường…

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế, Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lộc, UBND xã Vinh Mỹ đã triển khai mô hình nuôi tôm thẻ hai giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Huỳnh Đăng, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc tham gia mô hình với quy mô 0,5 ha (3 ao), thời gian thực hiện: Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2020.

Ông Huỳnh Đăng, hộ tham gia mô hình, chia sẻ: Ao nuôi sau khi tháo hết nước, tiến hành vệ sinh sạch và phơi nắng 5 ngày. Lắp hệ thống quạt nước (4 dàn quạt/ao 2.500 m2, mỗi dàn 12 cánh quạt). Cấp nước vào ao nuôi, mức nước đạt 1,5 m. Chạy quạt liên tục từ 6 – 8 giờ/ngày. Gây màu nước kết hợp đánh Dolomite để ổn định các yếu tố môi trường. Đánh chế phẩm sinh học Aqua-Pond dành cho ao lót bạt để bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi cho ao nuôi và tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Thức ăn cho tôm thẻ chân trắng là thức ăn công nghiệp Vannamei có độ đạm > 30%, cho ăn 3 – 4 lần/ngày. Trong quá trình chăm sóc và cho tôm ăn bổ sung thêm Vitamin C và khoáng trộn vào thức ăn cho tôm ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Cùng đó, ông thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, pH trong ao 2 lần/ngày vào lúc 7h và 15h; kiểm tra độ kiềm, các khí độc trong ao 3 ngày/lần. Bổ sung khoáng và Dolomite cho ao nuôi khoảng 3 – 5 ngày/lần giúp cho tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt. Định kỳ xử lý men vi sinh và chế phẩm sinh học Aqua-Pond (dùng cho ao lót bạt) để bổ sung chủng loại vi sinh vật có lợi cho ao nuôi và để phân hủy các hợp chất hữu cơ còn sót lại sau khi xiphông đáy ao. Trong tháng nuôi đầu, thời gian quạt nước từ 4 – 6 giờ/ngày đêm, qua tháng nuôi thứ 2 quạt nước 6 – 8 giờ/ngày đêm, từ tháng nuôi thứ 3 đến thu hoạch quạt nước liên tục 8 – 12 giờ/ngày đêm. Ngoài ra, cần bổ sung thêm sục khí đáy để giải phóng các khí độc xuất hiện trong ao nuôi.

Hằng ngày, ông Đăng quan sát các hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, hình dáng, thức ăn trong ruột… để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Dùng sàn ăn để kiểm tra sức khỏe của tôm nuôi và điều chỉnh khẩu phần ăn cho tôm. Định kỳ từ 15 ngày chài tôm để xác định tỷ lệ sống và kiểm tra tốc độ tăng trưởng, sức khỏe tôm cũng như về trọng lượng, sản lượng tôm ở trong ao nuôi để điều chỉnh thức ăn cho tôm nuôi. Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa đường ruột, khoáng chất vào thức ăn cho tôm.

Kết quả, sau gần 4 tháng nuôi, trọng lượng tôm thu được 62 con/kg, tỷ lệ sống 78%; sản lượng 5.032 kg, năng suất hơn 10 tấn/ha. Ông Huỳnh Đăng cho biết: Giá bán thời điểm thu tôm là 115.000 đông/kg, lợi nhuận hơn 120 triệu đồng.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!