(TSVN) – Đó là chủ đề của Hội thảo phiên 2 trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2025 (VietShrimp 2025) diễn ra vào chiều 26/3 tại thành phố Cần Thơ. Ông Phạm Anh Tuấn – Ủy viên thường vụ, Phó trưởng Ban Phát triển thủy sản bền vững Hội thủy sản Việt Nam; Ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đồng chủ trì.
Hội thảo sẽ tập trung phân tích, chia sẻ những giải pháp về nuôi tôm giảm phát thải.
Tại Hội thảo, ông Chen Jiun Jhang, Giám đốc Bộ phận kỹ thuật Thủy sản, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam đã trình bày về Mô hình nuôi tôm “3 tốt” ao đất mật độ thấp cùng với Thiết bị hút xác tôm tự động CDSS. Trong đó, thiết bị CDSS tự động được xem là công nghệ mới, đang ngày càng được biết đến rộng rãi trên khắp cả nước bởi sự tiện dụng và mang lại nhiều lợi ích như ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, kịp thời xả thải, giúp kiểm soát chất lượng nước, từ đó tiết kiệm chi phí, nuôi tôm dễ dàng hơn.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: PTC
Còn trong bài trình bày của mình, ông Alexandros Samartzis – Giám đốc dinh dưỡng và hỗ trợ thủy sản châu Á, Tập đoàn De Heus cho biết, để góp phần phát triển bền vững ngành tôm, nhiều năm qua, De Heus đã phối hợp cùng các Đối tác để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ người nuôi chuyển đổi sang hệ thống RAS bền vững hơn nhằm kiểm soát tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, De Heus còn đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chuyên biệt cho tôm, đưa ra các công thức thức ăn nuôi tôm chất lượng, giá thành hợp lý.
Ông Alexandros Samartzis, Giám đốc dinh dưỡng và hỗ trợ thủy sản châu Á, tập đoàn De Hues trình bày tham luận. Ảnh: PTC
Cũng tại Hội thảo, ông Lê Văn Khoa – Giám đốc Kỹ thuật toàn quốc, Grobest Việt Nam cho biết, ngành tôm hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, các dịch bệnh nguy hiểm như WSSV, EHP, EMS và TPD đang lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để góp phần giải quyết những khó khăn trên, Grobest Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, “Giải pháp tối ưu dinh dưỡng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh với sản phẩm ADVANCE PRO” là tiến bộ kỹ thuật đã được Cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản và Kiểm ngư) đã công nhận tiến bộ kỹ thuật. Với độ đạm tối ưu 36%, ADVANCE PRO mang lại hiệu suất vượt trội, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tôm trong từng giai đoạn. Khi sử dụng ADVANCE PRO, lượng thức ăn dư thừa được giảm thiểu, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi, đảm bảo tăng tính bền vững cho nuôi tôm.
Các diễn giả trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: PTC
Ngoài ra, những báo cáo tham luận khác như: Đổi mới nuôi tôm không phát thải và hợp tác chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam của Tập đoàn Skretting; Giải pháp năng lượng Net-Zero để xanh hóa ngành tôm của Công ty TSS Solar Power; Thách thức ngành tôm và giải pháp bền vững của Tập đoàn Cargill,… cũng được giới thiệu tại Hội thảo, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các chuyên gia giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp, người nuôi tôm, đồng thời nêu ra những giải pháp về kỹ thuật, sử dụng các công nghệ nuôi, công nghệ sinh học,… giúp nuôi tôm giảm phát thải, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kim Tiến