Nuôi tôm rừng tại Viêt Nam: Gắn quyền lợi và trách nhiệm cho từng hộ nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Là hình thức kết hợp giữa nuôi tôm và trồng rừng, sự kết hợp này phải đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên, đòi hỏi cần sự phê duyệt chính sách tổng thể và gắn quyền lợi cho người nuôi…

Lợi ích kép

Nuôi tôm sú tại Việt Nam, trong đó có tôm rừng đã phát triển nhanh chóng, nhất là từ khi thực hiện chính sách khuyến khích chuyển đổi những vùng đất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản. Hình thức nuôi này được quan tâm đặc biệt ở ĐBSCL, với 85% tổng diện tích và 80% sản lượng nuôi tôm của cả nước. Năm 2007, diện tích nuôi tôm ven biển của Việt Nam là 624.586 ha với sản lượng 386.608 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD.

Sản phẩm tôm sinh thái có những ưu điểm về an toàn thực phẩm, giá bán cao hơn khoảng 20% so với tôm thông thường, giúp giải quyết vấn đề môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và phát triển rừng ngập mặn. Nuôi tôm rừng là mô hình rất hay, khuyến khích cộng đồng cùng giữ rừng, giúp cân bằng sinh thái và thích ứng với BĐKH, làm đa dạng loại sản phẩm nuôi trồng, ngăn chặn bảo vệ sự xâm nhập từ bên ngoài vào. Ngành hàng tôm sinh thái có cơ hội phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Ảnh: Thanh Nhã

Ngoài nguồn thu chính là tôm, các hộ nuôi còn thu nhập thêm từ cá và cua. Nghề nuôi tôm sú với sản phẩm có tác động rất lớn về mặt xã hội. Khi nhiều người nuôi thành công, thu nhập của các hộ gia tăng, ảnh hưởng đến xã hội. Nếu có rừng ngập mặn, tất cả các chất độc sẽ được thanh lọc dần dần. Rừng ngập mặn là yếu tố trung hòa và tiêu hủy cao chất thải của khu nuôi tôm. Sự kết hợp hài hòa giữa việc giữ rừng ngập mặn và tổ chức nuôi tôm là yếu tố sống còn cho người dân sinh sống tại những khu vực này. Tuy nhiên, mức độ rủi ro của nghề nuôi cũng khá cao, khi người nuôi thua lỗ, nguy cơ mất đất, thất nghiệp, phá sản… xảy ra.

 

Lạm dụng quá mức

Hiện nay, do chưa hiểu hết giá trị nhiều mặt của hệ sinh thái rừng ngập mặn và vì những lợi ích kinh tế trước mắt, đặc biệt là nguồn lợi từ tôm nuôi xuất khẩu nên rừng ngập mặn Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng, làm huỷ hoại môi trường, suy giảm mức sống của nhiều người dân nghèo ven biển…

Việc phá rừng ngập mặn làm đầm tôm không chỉ làm suy giảm tài nguyên sinh học tại chỗ, mà còn làm mất nguồn thức ăn phong phú của nhiều sinh vật vùng triều, sản lượng cá, tôm, cua đánh bắt ở ngoài biển cũng giảm. Chỉ trong vòng 20 năm, 1/3 diện tích rừng ngập mặn đã bị diệt vong. Có những nơi, chỉ trong vòng 2 năm, rừng ngập mặn biến mất hoàn toàn.

Mặt khác, chính các đầm tôm đã làm tăng sự ô nhiễm môi trường. Các chất thải từ các đầm tôm đã làm chết nhiều loại thủy sản trong vùng, phá hủy các rạn san hô và cỏ biển. Các loại kháng sinh dùng cho tôm cũng diệt hàng loạt các loài vi sinh vật hữu hiệu ở biển và tạo ra hiện tượng kháng thuốc tràn lan. Ngoài ra, các tỉnh cũng đang đối mặt với diện tích nuôi tôm rừng cũng bị xói lở nhiều. Rất nhiều nơi bắt đầu thấy được tác hại của việc mất rừng ngập mặn.

 

Hiệu quả bấp bênh

Theo ông Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam: Trở ngại lớn nhất của mô hình nuôi tôm rừng là vấn đề môi trường, xử lý mực nước, khi nước dâng

>> Sản lượng tôm rừng tại Cà Mau khoảng 250 – 320kg/ha/năm, so với các loại hình nuôi khác như quảng canh truyền thống là 400kg/ha/năm, quảng canh cải tiến 600 – 800kg/ha/năm, chưa đem lại hiệu quả cho các hộ nuôi.

lên, người nuôi sẽ giữ nước như thế nào, nếu mực nước cao quá để nuôi tôm thì việc giữ rừng sẽ kém hiệu quả, thời gian giữ nước nhiều quá không làm trao đổi nước cũng ảnh hưởng đến cây rừng. Cộng đồng luôn muốn chặt phá rừng để mặt nước và rừng thông thoáng, điều này lại mâu thuẫn với quyền lợi địa phương vì địa phương phải đảm bảo diện tích rừng nhất định. Vấn đề điều tiết và quy định mực nước rừng chưa hiệu quả, đó là điều rất đáng tiếc.

Ông nhấn mạnh: Do nước không thông thoáng, dễ sinh ra ổ bệnh cho tôm, ảnh hưởng đến năng suất tôm. Trong khi người dân không nghĩ đến cây rừng phải như thế nào, hiện nay cây rừng chết rất nhiều, nhưng đơn vị chức năng chưa xác định chuyện đó. Hiện nay, thực tế một số mô hình ở Bạc Liêu, Sóc Trăng… cây rừng không phát triển được và nhà nước luôn bị thiệt.

Đánh giá về thực trạng này, ông Lê Xuân Sinh – Khoa Thuỷ sản, Đại học Cần Thơ cũng khẳng định: Mô hình nuôi tôm rừng hiện nay vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả tối ưu cả về tỷ lệ kết hợp cũng như cơ cấu loài (cả cây và con) để ứng dụng cho từng địa bàn cụ thể; việc thiết kế ao/vuông ở cấp độ hộ nuôi chưa thực sự phù hợp, chưa có giải pháp cho phòng trị bệnh tôm nuôi, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi cho quản lý môi trường nước ở cấp độ cộng đồng/vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, người dân chưa có đầy đủ kiến thức kỹ thuật và thiếu vốn sản xuất nên đầu tư chưa đúng mức cho sản xuất, cộng với tác động của chi phí đầu vào gia tăng và giá sản phẩm đầu ra biến động mạnh gây rủi ro lớn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Tấn Khương cũng cho biết: Đa số các hộ nuôi hiện nay vẫn nuôi nhỏ lẻ, tự phát với diện tích trung  bình 2 – 3 ha/hộ, do chưa xây dựng được thương hiệu nên giá bán còn “bèo”, bà con sản xuất nhỏ lẻ, không tập hợp được thành các tổ chức lớn hơn trong thu mua, vận chuyển của người nuôi cũng gặp khó khăn. Lợi ích giữa tôm và rừng còn chồng chéo. Các sản phẩm nuôi cùng trong đầm tôm như: cua, sò huyết… dù cũng là sản phẩm sinh thái nhưng vẫn bán với giá như sản phẩm nuôi bình thường.

         

Thay đổi nhận thức

Hiện nay, các hộ vẫn nuôi tôm với mật độ dày và giữ nước trong ao nuôi nhiều, tuy nhiên, thực tế nếu nước thông thoáng, ao nuôi hiệu sẽ quả hơn, những lá đước rơi xuống làm tăng ấu trùng tôm làm thức ăn cho tôm. Việc cho thức ăn tăng lên thay vì sử dụng lá đước tự nhiên và nuôi với mật độ dày làm tăng môi trường ô nhiễm, vì nuôi tôm sinh thái là một chu trình có lợi, quan niệm nhiều rừng quá khiến tôm không phát triển được là nhận thức sai. Bà con có thể kết hợp nuôi cá cùng với tôm như cá đìa, cá đuối, cua… để tăng hiệu quả nuôi trồng.

Kết hợp hài hòa giữa RNM và nuôi tôm là yếu tố sống còn – Ảnh: Phan Thanh

Trong khi đó, chính quyền địa phương nắm được tình hình trên nhưng cũng “lờ” đi vì những quyền lợi riêng liên quan đến lợi ích cộng đồng. Những cam kết của người giữ rừng chưa thực hiện đúng, nhưng thực tế ngay cả khuôn khổ pháp lý trong việc xử phạt với người phá rừng cũng không rõ ràng. Các quy hoạch và chính sách suốt thời gian qua không sát thực tế, chưa khoa học, mang nặng tính áp đặt và thiếu tính liên ngành. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm về tỷ lệ rừng/tổng diện tích nuôi thích hợp.

Cũng như khai thác hợp lý nguồn tôm bố mẹ tự nhiên và đa dạng giống loài thủy sản trong khu vực nuôi, trong đó cần quy hoạch lại các vùng nuôi, quy hoạch liên ngành nhất là tôm sinh thái hợp lý hơn để giảm tác động bất lợi tới môi trường và tác động xấu tới vùng nuôi lân cận. Những chính sách hỗ trợ cho người nuôi giữ rừng, hỗ trợ diện tích giữa khuyến khích và hạn chế để thống nhất giữa lợi ích tổng thể của rừng, tôm và các loài khác. Ông Lê Xuân Sinh nhấn mạnh.

Vấn đề về trách nhiệm người nuôi, nếu cây rừng chết thì chủ đầm phải chịu trách nhiệm. Theo ông Vũ Ngọc Long, cần phải có cam kết trách nhiệm giao khoán cụ thể, xử phạt rõ ràng, xử lý nghiêm minh, quản lý và cam kết, khuyến cáo cho người dân hướng đến sản xuất bền vững, nếu tuân thủ đúng quy trình sinh thái thì tôm không bị bệnh, nếu chỉ nghĩ đến đầu cơ thì vụ sau tôm bị bệnh và ảnh hưởng đến vùng khác. Đặc biệt, nên giao cho một nhóm có quyền lợi như nhau cùng làm, với diện tích nuôi trung bình khoảng 5 ha/hộ, thay vì giao cho từng hộ nhỏ lẻ sẽ gây nên tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nên giao cho một nhóm người. Việc giao cho một nhóm cùng làm cũng thuận lợi cho việc cung cấp hệ thống tưới tiêu nước trong khu vực liên hoàn với nhau thay vì các hộ tự bơm nước và giữ nước ồ ạt như hiện nay. Các địa phương nên xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp nuôi tôm sinh thái theo quy mô lớn, triển khai đồng bộ.

>> Để nuôi đúng quy trình, các địa phương cần khuyến cáo người dân về việc thả giống và có lịch thả nuôi riêng cho nuôi tôm – rừng với mật độ thả 3 con/m2, đồng thời trồng thêm rừng, tạo môi trường thuận lợi cho nuôi tôm, diện tích nuôi hợp lý, mức độ nước vừa phải đảm bảo môi trường.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!