Đúng như dự báo của một số chuyên gia và dự cảm của người nuôi tôm, tình hình ngập mặn và biến đổi khí hậu đã đẩy giá tôm lên cao và nhiều người dân trúng đậm; nhưng mức giá cao đó không ổn định.
Tin vui từ vùng nuôi tôm nhiều năm gặp khó khăn là tỉnh Sóc Trăng cho thấy nửa cuối năm nay, người tôm có thể thắng lớn, với tôm lớn 80 con/kg bán được 140.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ nông dân lãi tiền tỷ còn trang trại lãi hàng tỷ đồng.
Sở dĩ mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng người dân vẫn thắng lớn là do họ đã có những điều chỉnh căn bản trong cách nuôi tôm, theo hướng dẫn của các nhà khoa học, trong đó tiêu biểu nhất là việc thả nuôi với mật độ thưa và sử dụng ao lắng. Nhiều hộ nuôi xen canh với cá chẽm và cá rô phi giúp giảm thiểu ô nhiễm. Tỉnh Sóc Trăng thả nuôi hơn 28.500 ha, cao hơn 11% so cùng kỳ, nhưng diện tích bị thiệt hại giảm so cùng kỳ 12%. Các vùng nuôi công nghiệp tôm thẻ cho sản lượng cao với mô hình ao lót bạt. Bên cạnh đó, người dân đã tiếp cận được chế phẩm sinh học làm sạch môi trường và men vi sinh cho tôm chất lượng bảo đảm hơn.
Đến hết tháng 8/2016, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước 660.273 ha, bằng 101,8% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tôm sú là 586.517 ha, bằng 100,5%; tôm thẻ chân trắng là 73.756 ha, bằng 113,8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch 319.896 tấn, bằng 111,4% so cùng kỳ năm 2015 (tôm sú 142.556 tấn, tôm thẻ chân trắng 177.340 tấn). Như vậy, vấn đề “cháy tôm nguyên liệu” không diễn ra, sau những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết hồi đầu năm. Đó là do người nuôi và các cơ quan khuyến nông đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để nuôi tôm trong điều kiện mới.
Trước tình hình một số vùng biển bị ô nhiễm và thủy hải sản đánh bắt trong tự nhiên suy giảm thì xu hướng tiêu thụ thủy hải sản nuôi trồng tất yếu sẽ tăng mạnh. Vào thời điểm tháng tư vừa qua, nhiều vùng giá tôm tăng 30%. Một số vùng tôm quảng canh, do ảnh hưởng thời tiết, tôm chết nhiều, giá cả liên tục tăng, nhưng người dân lại không có tôm để bán. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng đa số các tỉnh vẫn cho rằng việc giảm diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản là khó đảo ngược, do đó đều dự kiến khôi phục và phát triển vùng tôm nguyên liệu. Điển hình là tỉnh Kiên Giang vẫn tính toán tăng sản lượng khoảng 5.000 tấn so với năm ngoái. Cùng đó, tại Bến Tre, giá tôm sú đạt 300.000 đồng/kg (loại 20 con/kg) từ tháng tư vừa qua, là mức giá khá cao so với mấy năm gần đây. Tôm thẻ chân trắng cũng được giá.
Mặc dù, các tỉnh đã khôi phục vùng nuôi sớm hơn dự kiến và tôm nguyên liệu được thu mua ráo riết nhưng theo tính toán thì các nhà máy vẫn chỉ hoạt động 60% công suất do thiếu tôm nguyên liệu. Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD từ ngành tôm, song tình hình tôm nguyên liệu khan hiếm và giá cao lại vô tình đẩy các nhà chế biến xuất khẩu vào thế khó. Một số người lo ngại các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhập tôm nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là tôm Ấn Độ, nhằm tạo sức cạnh tranh về giá cho tôm Việt Nam, điều này sẽ khiến cho thị trường tôm trong nước “giảm nhiệt” về giá cũng như về sức tiêu thụ.
Nếu giữ tiến độ xuất khẩu như hiện nay thì có thể năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng 10% so năm 2015 và đạt khoảng 3,2 tỷ USD, một con số rất ấn tượng. Song, nếu nhìn tổng thể thì với giá tôm nguyên liệu tăng cao, sẽ khiến lợi nhuận toàn ngành giảm đi, đồng thời sức cạnh tranh trên thương trường cũng suy giảm.
Nhiều chuyên gia cho rằng người nuôi tôm Việt Nam hiện nay hiểu khái niệm “được giá”, “trúng giá” còn khá hạn hẹp, chủ yếu là việc được giá do tôm nguyên liệu khan hiếm, hoặc do giá thị trường thế giới tăng mạnh. Một số hộ thu hoạch được tôm, trúng giá, làm giàu, nhưng bên cạnh đó rất nhiều diện tích khác bị thất thu, nhiều hộ khác bị thua thiệt nặng nề. Một chuyên gia cho biết: “Xu hướng chung của nghề tôm hiện đại là xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, giá cả ổn định, tỷ lệ thành công cao, chứ không nên nhìn vào những biến động đột xuất của thị trường, theo kiểu nuôi 3 mùa thua chỉ cần 1 vụ thắng vẫn làm giàu”. Chỉ có việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định với giá đầu vào thấp thì thương hiệu con tôm Việt mới nhiều sức cạnh tranh hơn và ngành tôm mới phát triển bền vững hơn.
>> Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của ĐBSCL hiện đạt 55.254 ha, tăng 17,3% so cùng kỳ năm ngoái; sản lượng ước hơn 107.000 tấn, tăng 4,1%. Tháng 8, giá tôm tăng mạnh, tôm loại 20 con/kg có giá 280.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 210.000 đồng/kg, tăng 5.000 – 6.000 đồng/kg so với tháng 7… |