(TSVN) – Nuôi trồng thủy sản toàn cầu tiếp tục đón nhận tăng trưởng tích cực vào năm 2025, dẫn đầu bởi sản lượng cá vây, nhưng rủi ro thương mại vẫn luôn rình rập, theo báo cáo của Rabobank.
Sau một năm 2024 đầy thách thức với nhu cầu tiêu dùng suy yếu ở các thị trường chủ chốt, ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu dự báo tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ hơn vào năm 2025, theo báo cáo mới của Rabobank hợp tác cùng Liên minh thủy sản toàn cầu (GSA).
Nguồn cung các loài phổ biến ở châu Âu, gồm cá hồi Đại Tây Dương, cá chẽm và cá tráp, dự kiến tăng 3 – 4%. Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương dự báo tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2024 – 2026, sau hai năm giảm liên tiếp, theo ông Novel Sharma, chuyên gia phân tích thủy sản tại RaboResearch. “Na Uy tiếp tục dẫn đầu, với mức tăng trưởng hàng năm dự báo 2,2% vào năm 2025 và 5,3% vào năm 2026, đạt sản lượng lần lượt 1,56 triệu và 1,64 triệu tấn. Sự tăng trưởng này phụ thuộc vào điều kiện sinh học ổn định và sản lượng thu hoạch ngày càng cao.”, ông Novel Sharma cho biết.
Sau một năm 2024 khó khăn, ngành cá hồi Chile dự báo hồi phục với mức tăng trưởng sản xuất dự kiến 1,4% vào năm 2025 và 3,2% vào năm 2026. Tuy nhiên, sản lượng khó vượt qua mức của năm 2020.
Ông Sharma dự báo, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, ngành tôm đang giảm tốc, với tăng trưởng 1% trong năm 2024 và 2% trong năm 2025. Sản xuất tôm ở Mỹ Latinh dự báo chững, với tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống còn 2% vào năm 2024 do giá tôm liên tục ở mức thấp. Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi lên 4% vào năm 2025 khi tình trạng dư cung được khắc phục. Sản lượng tôm của Ecuador cũng được dự báo chững lại trong giai đoạn này.
Tại châu Á, ngành tôm Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến mức tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2025, lần lượt 1,7% và 2%; trong khi ngành tôm của Việt Nam sẽ tiến bước mạnh mẽ hơn, với sản lượng dự kiến tăng 4% nhưng vẫn phải đối mặt với dịch bệnh và chi phí sản xuất cao.
Các loài thủy sản nước ngọt dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2025. Sản lượng cá tra dự kiến tăng 7% so với năm trước nhờ nhu cầu cao vọt từ Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về sản xuất cá tra. Trong khi đó, sản lượng cá rô phi toàn cầu dự báo vượt 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước, nhờ sự phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và Indonesia.
Mặc dù triển vọng lạc quan, ngành thủy sản vẫn phải đổi mặt tình hình thị trường, kinh tế bất ổn trong năm 2025. “Thủy sản là loại protein có giá trị thương mại lớn nhất toàn cầu,” ông Sharma giải thích. “Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu mới. Điều này đặc biệt quan trọng đối với ngành thủy sản, vì Mỹ là quốc gia nhập khẩu hơn 80% thủy sản, đứng đầu thế giới. Hơn nữa, rủi ro chiến tranh thương mại liên quan đến Trung Quốc cũng kéo theo nhiều bất ổn cho ngành thủy sản toàn cầu trong năm 2025.”
Theo kết quả khảo sát, giá cả thị trường một lần nữa là mối quan tâm lớn nhất của ngành thủy sản trong năm 2025, tiếp theo là chi phí thức ăn và khả năng tiếp cận thị trường. “Điều này là dễ hiểu, vì giá nhiều mặt hàng thủy sản năm 2024 gần như chạm đáy. Mặc dù nhu cầu của nhiều mặt hàng đã bắt đầu cải thiện, giá cả vẫn đang tăng từ mức thấp nhưng sự cải thiện này chưa ổn định. Các hạn chế thương mại từ Mỹ và sự phục hồi không chắc chắn của nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu trong năm 2025 là những mối lo ngại rõ rệt.” ông Sharma cho biết.
Tuấn Minh
Theo Globalseafood