Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương ven biển đang đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề phát triển các vùng nuôi không theo kế hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro… Vì vậy, rất cần những biện pháp hiệu quả để nghề NTTS phát triển bền vững.
Vùng nuôi cá lồng tự phát trên vịnh Nghi Sơn của người dân xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Lê Đồng
Sông Cung – một dòng sông nhỏ chảy qua các xã Hoằng Yến, Hoằng Hà, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông và Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), nối sông Lạch Trường và sông Mã. Ven dòng sông hình cánh cung ôm 8 xã vùng biển của huyện đồng bằng ven biển này, từ nhiều đời nay, người dân phát triển hiệu quả các vùng NTTS nước lợ. Nhiều vùng nuôi trong kế hoạch phát triển của huyện và ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả kinh tế, song gần đây, một số vùng nuôi tự phát phát triển ngoài sự kiểm soát của chính quyền và các ngành chức năng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng nói nhất, khoảng 3 năm qua, tại khu vực các thôn 1, 2 và 3 của xã Hoằng Yến, rất nhiều khu nuôi tôm theo hướng công nghiệp tự phát hình thành. Nhiều diện tích đất rừng ngập mặn đã bị san ủi để làm đầm tôm; hàng chục héc ta đất lúa bị chuyển sang nuôi tôm mà chưa được sự cho phép của ngành chức năng. Tại một số khu đất ngay ven chân núi Linh Trường cũng được đào hạ thấp độ cao, trải bạt, dẫn nước tạo thành các vùng nuôi tôm sát khu dân cư. Nhiều vụ gặp thời tiết thuận lợi, người nuôi có thu nhập cao. Tuy nhiên, một số vụ thời tiết bất thuận, tình trạng nhiệt độ nóng – lạnh đan xen khiến tôm chân trắng – loại con nuôi khá nhạy cảm chết hàng loạt. Điển hình nhất là vụ tôm năm 2017, nhiều hộ gia đình ở đây thiệt hại cả tỷ đồng, tôm chết đỏ đầm gây ô nhiễm nguồn nước. Về nguyên nhân tôm chết, ngoài tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thời tiết không thuận lợi, còn có nguyên nhân chính là hạ tầng vùng nuôi không đồng bộ, mạnh ai nấy làm, thiếu tính tổng thể. Có tình trạng, đầm này vừa xả nước thải, đầm kia lấy nước nên lấy phải nước ô nhiễm, thậm chí có mầm bệnh nên dễ gây dịch bệnh. Theo một cán bộ phụ trách thủy sản của UBND huyện Hoằng Hóa: Do phát triển tự phát, khi gặp rủi ro, các chủ đồng cũng không được xem xét hỗ trợ. Việc xã để người dân phát triển các vùng nuôi tự phát giờ trở thành chuyện đã rồi, rất khó xem xét giải quyết (…).
Ven cửa sông Lạch Bạng đoạn qua xã Hải Thanh (Tĩnh Gia), những đống rác thải lớn, nhỏ được cư dân ven bờ “tuồn” xuống bờ sông, kéo dài tít tắp. Quần áo rách, rác thải sinh hoạt đủ loại, rồi xác hải sản bốc mùi xú uế, ruồi nhặng bay rào rào. Sau mỗi trận mưa, nước từ những đống rác ngấm xuống làm ô nhiễm từng vùng nơi cửa biển. Trên bờ, từng rãnh nước mỡ cá đặc quánh được thải ra từ hàng trăm cơ sở hấp cá của người dân các thôn vùng Ba Làng, chảy ra sông, nổi váng nhầy từng vùng nước sông rộng lớn. Cách đó chưa đầy trăm mét chính là vùng nuôi cá lồng quy mô lớn của người dân trong xã. Theo kinh nghiệm của người nuôi cá lồng địa phương, cá ăn phải nước váng mỡ cá có chứa các hóa chất bảo quản là chết ngay. Tình trạng cá chết diễn ra nhiều lần, đều trùng hợp với những đợt xả thải của các cơ sở chế biến cá hấp lớn trong xã.
Ông Đặng Văn Tý, thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh – người nuôi cá lồng trên khu vực cửa sông Lạch Bạng, bức xúc: Đầu năm vừa rồi, gia đình tôi bị chết 7.300 con cá vược do ăn phải nước có váng mỡ cá từ trên bờ thải ra. Tình trạng cá chết ở đây năm nào cũng có, thường chết rải rác, thỉnh thoảng có năm chết đại trà khiến nhiều hộ gia đình thiệt hại tiền tỷ, có hộ khuynh gia bại sản. Một mối nguy hiểm khác luôn tiềm ẩn là hàng chục nhà máy, cơ sở chế biến được xây dựng ngay tại Cảng cá Lạch Bạng, thỉnh thoảng thường xả thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường. Nhiều người dân địa phương khẳng định, các doanh nghiệp, cơ sở trên thường lợi dụng trời mưa hay ban đêm, xả thải những dòng nước đen kịt với mùi lạ xuống vùng cửa sông để chảy ra biển. Nhiều năm qua, nghề nuôi cá lồng ở đây bị ảnh hưởng và trở nên bấp bênh bởi hoạt động xả thải và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở vùng nuôi trong xã.
Được biết, ngoài xã Hải Thanh, người dân các xã Bình Minh, Hải Bình và xã đảo Nghi Sơn cũng phát triển nghề nuôi cá lồng trong vùng biển vịnh Nghi Sơn. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm hiện tại, trên vùng vịnh Nghi Sơn có khoảng 14.000 lồng cá của người dân các xã trong vùng, trong khi khảo sát, đánh giá thực trạng thì ở đây chỉ được nuôi 250 lồng. Như vậy, với số lượng lồng cá vượt 560% cho phép khiến mật độ nuôi quá dày, cá dễ sinh bệnh, lây lan các loại ký sinh trùng gây bệnh nên thường xuyên bị thiệt hại. Điều đáng nói, từ năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có định hướng giảm dần các lồng cá nơi đây, để đến năm 2020 sẽ còn rất ít, và đến 2025 sẽ chấm dứt nuôi cá lồng trong vịnh Nghi Sơn. Nguyên nhân giảm dần và dừng chủ trương phát triển nuôi cá lồng tại đây là do vùng nuôi này đang dần bị ô nhiễm, cộng với nhường diện tích mặt nước cho phát triển công nghiệp và hệ thống cảng biển Nghi Sơn. Hoạt động nuôi cá lồng tại khu vực Lạch Bạng sẽ được chuyển dần ra xa bờ, phía gần khu vực đảo Hòn Mê. Hơn 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều văn bản gửi các xã có lồng nuôi, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhưng người nuôi cá ở đây vẫn bất chấp, phát triển tự phát các lồng cá một cách ồ ạt. Đầu tư hàng tỷ đồng cho mỗi vụ cá, nhưng suốt quá trình nuôi vẫn nơm nớp lo âu khiến việc nuôi cá lồng ở đây chẳng khác nào “đánh bạc với trời”, hiệu quả kinh tế và phát triển không bền vững.
Tương tự với nhiều diện tích nuôi ngao các ở huyện: Nga Sơn và Hậu Lộc cũng được người dân phát triển tự phát ở những nơi quá gần cửa sông, gần nguồn nước ô nhiễm dẫn đến thường xuyên gặp rủi ro. Việc để người dân NTTS tự phát cần làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương, cũng như công tác tuyên truyền của các sở, ngành có liên quan của tỉnh.
Nhóm PV Kinh tế
Theo Báo Thanh Hóa