Ổn định từ nuôi lươn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mô hình nuôi lươn đang được phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương và cho kết quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người dân.

Đặc điểm sinh học 

Lươn có chiều dài thân trung bình khoảng 25 – 40 cm, mặc dù có cá thể dài tới 1m. Thân hình trụ, da trần không vảy, thiếu vây chẵn, vây lưng nối liền với vây đuôi, vây hậu môn. Các vây không có gai, mang thoái hóa thành một lỗ phía dưới đầu. Đuôi vót nhọn. 

Lươn là loài có hiện tượng sinh sản lưỡng tính (trong tuyến sinh dục có cả tinh sào và trứng xen kẽ lẫn nhau). Ở miền Bắc nước ta cỡ lươn nhỏ hơn 20 cm hoàn toàn là cái, cỡ 36 – 47 cm lươn ở thời kỳ lưỡng tính, cỡ lớn hơn 54 cm hầu hết là lươn đực.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại Phú Yên. Ảnh: Thức Khoa

Giống như các loài khác trong bộ lươn, chúng hô hấp nhờ các màng của khoang bụng và ruột, không có bong bóng. Lưng màu nâu, bụng màu trắng hay nâu nhạt. Miệng lớn, có thể kéo dài ra được, cả hai hàm đều có các răng nhỏ để ăn cá, giun, giáp xác cùng các động vật thủy sinh nhỏ khác vào ban đêm. Hai mắt rất nhỏ. 

Lươn thường thích ở nơi đất thịt pha sét, đất bùn. Màu sắc của lươn biến đổi theo môi trường sống. Hang lươn lớn hay nhỏ tùy theo cỡ của lươn, chỗ ở thường có nhiều ngõ ngách, hang của lươn không cố định. Lươn hoạt động mạnh vào mùa hè, có khi sống thành đàn đi kiếm ăn. 

Lươn là loài ăn tạp, nhưng ăn động vật có chất tanh là chính. Khi còn nhỏ, lươn ăn sinh vật phù du, giai đoạn tiếp ăn côn trùng bọ gậy, ấu trùng chuồn chuồn, đôi khi ăn các thể hữu cơ vụn nhỏ (rễ lúa, các tạo sợi…). Lươn lớn ăn giun, ốc, tôm, tép, cá con và những động vật trên cạn gần mép nước như: giun, dế… Khi thiếu thức ăn, lươn có thể ăn thịt lẫn nhau, lươn tìm thức ăn nhờ vào khứu giác là chủ yếu. Mùa lươn đẻ, chúng hầu như không ăn. 

Nhiệt độ sống thích hợp với lươn là 22 – 25oC, lúc nhiệt độ xuống thấp dưới 10oC lươn ngừng kiếm ăn và đào hang sâu để trú qua đông. Cường độ ăn mạnh vào tháng 5 – 7, lươn béo vào mùa thu và mùa xuân trước khi đẻ. Mùa lươn đẻ chủ yếu vào tháng 3 – 6 dương lịch và có thể đẻ vào mùa phụ tháng 8 – 9 dương lịch. 

Phát triển mạnh 

Lươn là loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, hàm lượng đạm trong thịt lươn chiếm 18,37%. Đây là đối tượng thích hợp nuôi ở vùng ĐBSCL và dễ bán vì thịt ngon và bổ dưỡng (Nguyễn Lân Hùng, 2010). Hiện nay, lươn không chỉ nuôi ở khu vực ĐBSCL mà còn phát triển mạnh mẽ ở các địa phương miền Trung và miền Bắc, với nhiều hình thức nuôi như: trong ao đất, trong bể xi măng lót bạt… 

Tại Phú Yên, trước đây, nghề nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn tỉnh còn khá mới mẻ, chỉ một vài hộ nuôi thí điểm ở huyện Phú Hòa. Người dân phải vào miền Nam đặt mua con giống, kỹ thuật nuôi còn thô sơ, chủ yếu nuôi lươn có bùn và cho ăn cá tạp xay nhỏ, rất khó quản lý trong quá trình nuôi. Nắm bắt được nhu cầu của người dân trong tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hạt nổi. Với kỹ thuật nuôi mới này, người dân có thể chăm sóc lươn dễ dàng hơn và môi trường nuôi sạch nên thu hút nhiều hộ đăng ký tham gia mô hình. 

Ông Nguyễn Thanh Việt (xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa) tham gia mô hình nuôi lươn không bùn với diện tích 200 m2. Mô hình được triển khai từ tháng 7/2022 với 12.000 con lươn giống, mật độ 60 con/m2. Tham gia mô hình, ông Việt được Trung tâm Khuyến nông Phú Yên hỗ trợ 35% con giống, 35% thức ăn, 100% thuốc, hóa chất, chi phí điện, công lao động, khấu hao chi phí xây bể nuôi. Sau 10 tháng nuôi, lươn nuôi phát triển rất tốt, tỷ lệ sống khoảng 83%, trọng lượng bình quân đạt 310 g/con, sản lượng thu hoạch hơn 3 tấn lươn thịt. Với giá bán 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình cho lãi hơn 73 triệu đồng. Hiện, mô hình nuôi lươn không bùn đang được đông đảo các hộ dân trên địa bàn thị xã Đông Hòa cũng như trong tỉnh tham quan, tìm hiểu để nhân rộng. 

Được biết những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tiếp tục triển khai mô hình nuôi lươn không bùn cho 4 hộ dân trên địa bàn các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa. 

>> Hiện, hình thức nuôi lươn hiệu quả và phổ biến là nuôi trên bể không bùn bằng giống nhân tạo và sử dụng thức ăn công nghiệp. Hình thức nuôi này có ưu điểm là cho tỷ lệ sống cao và thuận lợi trong quá trình nuôi; đặc biệt mô hình này ít tốn diện tích, phù hợp cho hộ ít đất sản xuất, nơi đô thị, tốn ít thời gian, dễ áp dụng kỹ thuật, cho thu nhập cao. 

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!