(TSVN) – Một thử nghiệm đột phá tại Trung Quốc về peptide đậu nành đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia nuôi trồng thủy sản trong nước và quốc tế bởi nguyên liệu này có khả năng thay thế bột cá với tỷ lệ lên đến 50%.
Đầu năm 2025, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Jiangsu Fuhai (Fuhai Biotech) đã hoàn thành thử nghiệm kéo dài 80 ngày với thức ăn chứa peptide đậu nành “không bột cá” dành cho cá vược miệng rộng tại Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông. Thử nghiệm đã kết thúc bằng một sự kiện thu hoạch cá, với sự tham dự của hơn 40 chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và công ty sản xuất thức ăn thủy sản hàng đầu Trung Quốc.
Thử nghiệm được tiến hành từ ngày 25/6/2024 đến ngày 3/1/2025 trên ao đối chứng (0,23 ha) và ao thử nghiệm (0,15 ha). Trọng lượng ban đầu của cá khoảng 4,35 gram, mật độ 31.930 con cá/0,405ha trong nhóm đối chứng và 41.763 con cá/0,405ha trong nhóm thử nghiệm.
Nhóm đối chứng được cho ăn thức ăn thông thường chứa 40% bột cá Peru cao cấp. Đối với nhóm thử nghiệm, cá được cho ăn thức ăn ép đùn thông thường trong 111 ngày, sau đó là 80 ngày thử nghiệm với thức ăn không chứa bột cá, trong đó có 50% sản phẩm Fuhai. Cả hai ao đều được quản lý trong cùng điều kiện.
Vào ngày 3/1/2025, 60 con cá được chọn ngẫu nhiên từ mỗi ao để đo lường. Tiến sĩ Liang Chao, Giám đốc thức ăn thủy sản tại Fuhai Biotech đã phân tích chi tiết kết quả thử nghiệm, tập trung vào sự khác biệt về tình trạng gan, hệ số gan (HSI) cao hơn và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) ở nhóm Fuhai so với nhóm đối chứng. Sự khác biệt về FCR có thể do mức protein khác nhau trong khẩu phần ăn, với hơn 50% trong thức ăn đối chứng và 45% trong thức ăn thử nghiệm.
TS Liang Chao đã xác định một số điểm cần cải thiện trong công thức thức ăn của nhóm thử nghiệm, đặc biệt là về hàm lượng và thành phần protein, chất béo cũng như việc bổ sung vi chất dinh dưỡng. Điều kiện thử nghiệm, bao gồm nhiệt độ cao vào mùa hè, việc cho cá ăn đến khi no và điều chỉnh chất lượng nước liên tục, đã tạo áp lực trao đổi chất đáng kể lên cá. Ngoài ra, mật độ nuôi cao hơn nhiều của nhóm thử nghiệm cũng góp phần dẫn đến những khác biệt này.
Thử nghiệm này mang ý nghĩa toàn cầu, giới thiệu một công thức thức ăn đột phá thay thế bột cá bằng 50% peptide đậu nành. Liang Chao nhận định, tỷ lệ thay thế bột cá thông thường chỉ vài phần trăm sẽ không thể thu hút được sự quan tâm rộng rãi đến vậy.
Kết thúc cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã thưởng thức món cá hấp được chế biến không sử dụng gia vị hay nước sốt. Tất cả đều nhất trí khen ngợi hương vị thơm ngon, kết cấu săn chắc và không có mùi tanh. Các chuyên gia cũng khuyến khích Fuhai Biotech mở rộng các giải pháp của mình để đáp ứng nhu cầu của ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu.
Sản phẩm của Fuhai sở hữu cấu trúc viên nang lipid phủ peptide độc đáo, giúp tăng khả năng tiêu hóa và bảo vệ lipid khỏi quá trình ôxy hóa. Với hàm lượng lipid lên đến 20%, nhu cầu phun dầu bên ngoài có thể được giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn, từ đó hạn chế nguy cơ ôxy hóa dầu trong quá trình bảo quản, đặc biệt là tại các trang trại nuôi trồng khi được áp dụng đúng cách.
Chuyên gia tham dự nhấn mạnh việc thay thế bột cá là khả thi và peptide đậu nành tỷ lệ cao an toàn và hiệu quả. Các thử nghiệm về thức ăn không bột cá của Fuhai Biotech, bao gồm một thử nghiệm quy mô lớn trên Đảo Seagull ở Quảng Châu vào năm 2023 và gần đây tại Trung Sơn, đều cho kết quả tích cực. Cá được nuôi bằng chế độ ăn thay thế có tỷ lệ ăn vào cao, sức khỏe tốt và không có dấu hiệu viêm ruột. Cùng đó, 50% peptide đậu nành trong khẩu phần thử nghiệm cho kết quả cá khỏe mạnh với tốc độ tăng trưởng và tiêu hóa bình thường. Điều này chứng tỏ mức độ sử dụng peptide đậu nành thấp hơn sẽ càng an toàn và dễ áp dụng ở quy mô rộng rãi hơn.
Mi Lan
Theo Weareaquaculture