Phá vỡ quy hoạch nuôi cá lồng tại xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay tại xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia tình trạng người dân tự ý tăng số lồng cá tại vụng Ngọc gấp nhiều lần so với mật độ quy hoạch đang khiến cho hiệu quả của nghề nuôi cá lồng bị giảm sút nghiêm trọng. Từ một nghề đem lại thu nhập cao, đến nay, nghề nuôi cá lồng tại xã đảo Nghi Sơn trở thành một nghề rủi ro cao và thu nhập bấp bênh.

Gia đình ông Nghiêm Văn Hải ở thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn hiện đang nuôi 30 lồng cá với khoảng 10 tấn cá thương phẩm. Với trọng lượng cá trên, mỗi tháng riêng tiền mua cá mồi, ông Hải phải chi phí hơn 100 triệu đồng. Ông Hải cho biết, với 30 lồng nuôi, bình thường mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Nhưng vào những năm cá chết nhiều, thu nhập rất thấp, thậm chí có năm thua lỗ. Chi phí sản xuất lớn, trong khi thu nhập không cao cho thấy hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lồng tại xã Nghi Sơn là rất thấp.

Vụng Ngọc xã đảo Nghi Sơn có diện tích hơn 11ha mặt nước. Khu vực này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nuôi cá lồng với 250 lồng nuôi. Tuy nhiên, hiện tại ở xã Nghi Sơn số lồng nuôi cá lên đến 1290 lồng, cao gấp 5 lần so với quy hoạch cho phép. Không chỉ số lượng lồng nuôi vượt quá cao, các hộ nuôi cá lồng tại xã Nghi Sơn đang nuôi cá với mật độ cao hơn gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, do toàn bộ nguồn nước thải sinh hoạt của gần 10 nghìn người dân xã Nghi Sơn đều xả trực tiếp ra vụng Ngọc, đã khiến cho nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, dẫn đến tình trạng cá  hay bị chết. Đây là những nguyên nhân khiến đến thời điểm thu hoạch số lượng cá bị hao hụt khoảng 70%.

Trước tình trạng hiệu quả nghề nuôi cá lồng tại xã Nghi Sơn thấp, trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý. Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là giải pháp chuyển đổi nghề cho người dân.

Ông Nghiêm Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia: Những năm gần đây, xã đã không để phát sinh lồng nuôi mới, hộ nuôi mới. Tuy nhiên cần có sự hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống.

Để giải quyết tình trạng nuôi cá lồng tự phát vượt quy hoạch tại xã Nghi Sơn, trước hết vẫn là sự tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính quyền huyện và xã cần về quản lý nuôi cá lồng theo quy hoạch. Phương án chuyển đổi nghề cho những hộ nuôi cá lồng cũng cần được tính đến để giải  quyết cơ bản tình trạng nuôi cá lồng tự phát tại đây.

Đình Hà – Quang Hòa

THTH

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!