Đó là chia sẻ của ông Phan Tuấn Cự (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Giám đốc DNTN Tuấn Cự.
Theo ông Cự, ngành tôm Việt Nam muốn thành công cần đảm bảo để người nuôi tôm thịt phải thành công; bởi nếu họ thất bại thì các ngành khác như: Chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, nhất là tôm giống cũng thất bại.
Có nhiều yếu tố tạo thành công cho người nuôi tôm thịt, như: quy hoạch, quy trình nuôi, thời tiết khí hậu, thuốc thú y thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, và đặc biệt là con giống. Muốn tất cả các vấn đề trên được tốt thì phải tăng cường vai trò quản lý của nhà nước và các nhà nghiên cứu khoa học.
Riêng với chất lượng tôm giống, để quản lý tốt cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, chỉ cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống đăng ký duy nhất một thương hiệu. Hiện nay, tình trạng một cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ có thể đăng ký 3 – 5 thương hiệu khá phổ biến ở Ninh Thuận, thậm chí không có cơ sở sản xuất cũng đăng ký được 5 – 7 thương hiệu. Mục đích của việc này chính là để đi thu gom tôm xuất bán, hôm nay bán thương hiệu này, ngày mai bán thương hiệu khác. Điều này gây khó trong việc kiểm soát chất lượng tôm giống.
Thứ hai, cần phải tăng cường quản lý tôm bố mẹ. Phải công khai minh bạch và thông tin rộng rãi nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu và những đơn vị sản xuất tôm bố mẹ trong nước. Hiện nay, chất lượng và giá cả tôm bố mẹ của các công ty xuất khẩu vào Việt Nam cũng như sản xuất trong nước không giống nhau. Để người nuôi tôm thịt dễ dàng lựa chọn tôm giống có nguồn gốc tôm bố mẹ phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, quy trình, mật độ nuôi… cần nắm rõ nguồn gốc tôm bố mẹ.
Được biết, trên thế giới những công ty sản xuất tôm bố mẹ không nhiều, chỉ khoảng 5 công ty. Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… đều phải mua tôm bố mẹ. Nếu Việt Nam chủ động sản xuất được tôm bố mẹ chất lượng phục vụ người nuôi hiệu quả thì rất tốt, cần phải ủng hộ và khuyến khích. Tuy nhiên, ngược lại, nếu chỉ lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để sản xuất tôm bố mẹ cho ra nguồn giống không kiểm soát được dịch bệnh, nuôi không lớn, gây thiệt hại cho người nuôi thì rất nguy hiểm, cần dẹp bỏ ngay.
Thứ ba, phải quản lý tốt việc xuất bán. Để tránh tình trạng thu gom tôm giống thì khi xuất bán, các cơ sở sản xuất bắt buộc phải đóng gói đúng tên cơ sở đã đăng ký, khi đó cơ quan quản lý nhà nước mới làm kiểm dịch xuất bán.
Thứ tư, công bố chất lượng và nhãn mác bao bì. Cụ thể, nhãn mác bao bì thùng đóng tôm bắt buộc phải ghi rõ: Tên công ty, cơ sở sản xuất, địa chỉ, điện thoại; Ghi rõ nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu (ghi đúng nguồn tôm nhập tại công ty nào). Hiện nay, nguồn gốc ghi trên bao bì là không đúng với thực tế tôm nhập khẩu. Cần phải minh bạch trong sản xuất kinh doanh tôm giống, có như vậy mới giúp được người nuôi tôm thịt thành công.
Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là phải có sự phối hợp trong công tác quản lý giữa các cơ quan nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Như ở Trung ương, sự phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y chưa được tốt. Còn ở địa phương, cần tăng cường phối hợp quản lý của các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Cần Thơ. Ở cấp tỉnh, cần sự phối hợp tích cực giữa Chi cục Thú y và Chi cục Nuôi trồng Thủy sản. Nên gộp hai chi cục này làm một thì quản lý chất lượng tôm giống sẽ được tốt hơn.