Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã khởi động Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh trong phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 – 2020. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám; ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện của FAO và ông Craig Hart, Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng chủ trì.
Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh trong phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 – 2020
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, việc ban hành kế hoạch hành động này với mục tiêu là giảm nguy cơ kháng kháng sinh trong cộng đồng nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, cần có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyên nâng cao nhận thức của người chăn nuôi. Đồng thời, kêu gọi sự hợp tác quốc tế, các viện nghiên cứu… nhằm giảm thiểu sử dụng kháng sinh và ngăn ngừa các mối đe dọa kháng kháng sinh.
Kế hoạch hành động quốc gia này gồm 5 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan tới kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Thứ hai là nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng khánh sinh. Thứ ba là thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Thứ tư là giám sát việc sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Cuối cùng là tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.
Ông Craig Hart, Phó Giám đốc USAID cho biết, kế hoạch này là bước đi quan trọng nhưng sự thành công của nó phụ thuộc vào việc tuân thủ và thực thi pháp luật. Các hành động phải dựa trên bằng chứng và thông lệ quốc tế. USAID cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đạt được các mục tiêu của kế hoạch.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh trong phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 – 2020 thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong chiến lược kiểm soát sử dụng kháng sinh vì một nền nông nghiệp bền vững. Đồng thời, đây cũng là hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phòng chống kháng kháng sinh mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra.