(TSVN) – Một cơ sở sản xuất thức ăn nuôi tôm giả với quy mô lên đến hàng chục tấn vừa bị triệt phá tại Bạc Liêu. Vụ việc gây lo ngại sâu sắc về chất lượng sản phẩm đầu vào và uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu vừa phối hợp với lực lượng chức năng địa phương triệt phá một cơ sở sản xuất thức ăn nuôi tôm giả nhãn hiệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình. Chủ cơ sở là ông Dương Văn Hòa (76 tuổi), bị bắt quả tang khi đang tổ chức sản xuất và đóng gói hàng chục bao thức ăn tôm tại nhà riêng.
Tại hiện trường, công an phát hiện 35 bao đang đóng gói và 55 bao đã hoàn tất, tổng cộng khoảng 1,8 tấn. Kiểm tra tiếp kho chứa hàng, lực lượng chức năng thu giữ thêm 1.804 bao sản phẩm thành phẩm khác, nâng tổng khối lượng thức ăn giả bị tạm giữ lên hơn 37 tấn. Ngoài ra, nhiều máy móc, thiết bị và bao bì dùng để sản xuất, đóng gói cũng bị thu giữ.
Các bao thức ăn tôm giả bị phát hiện. Ảnh: T.N
Theo lời khai ban đầu, ông Hòa đã tự thu mua nguyên liệu, đầu tư máy móc và làm giả nhãn hiệu của một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp thức ăn cho các loại tôm như tôm sú, tôm càng xanh và tôm thẻ. Toàn bộ sản phẩm này được chuẩn bị để bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tác động tiêu cực mà các loại thức ăn giả này có thể gây ra cho người nuôi tôm và cả ngành thủy sản Việt Nam.
Các chuyên gia cảnh báo, thức ăn giả thường không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, thậm chí có thể chứa tạp chất độc hại, khiến tôm chậm lớn, dễ nhiễm bệnh hoặc chết hàng loạt. Không những gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi, việc sử dụng thức ăn kém chất lượng còn dẫn đến nguy cơ tồn dư hóa chất trong tôm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có thể khiến các lô hàng xuất khẩu bị trả về nếu không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế.
Ngoài yếu tố an toàn thực phẩm, hành vi sản xuất hàng giả còn trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp chân chính, làm suy giảm niềm tin thị trường vào sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trong bối cảnh xuất khẩu tôm là ngành mũi nhọn của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vụ việc trên là lời cảnh tỉnh cho toàn ngành.
Tình trạng sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi giả không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đang có dấu hiệu lan rộng, đặc biệt tại các vùng nuôi trọng điểm như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần siết chặt kiểm tra thị trường, tập trung vào các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có giấy phép hoạt động rõ ràng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân phân biệt sản phẩm chính hãng và sản phẩm giả, khuyến khích sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, có mã QR hoặc tem chống giả. Về phía doanh nghiệp, việc đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng là giải pháp cấp thiết để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và người tiêu dùng.
Nhật Hạ