(TSVN) – Chiều 2/11, Bộ NN&PTNT đã tổ chức “Hội nghị triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030” tại Hà Nội. Với mục đích truyền tải quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Thống kê của các cơ quan chuyên môn thể hiện, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng từ 53,35 ngàn ha vào năm 2016 lên khoảng 237.693 ha vào năm 2019. Đến thời điểm hiện tại đã có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ với số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là khoảng 17.168 người. Ngoài ra, đã có 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất hữu cơ, trong đó 60 doanh nghiệp xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia… là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị
Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT về việc triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 đã đặt ra 9 nhiệm vụ để thực hiện, kèm theo đó là các giải pháp trọng tâm. Trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp xác định, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, từ khi Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta đã phát triển mạnh. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ còn dư địa nhưng cần phát triển sao cho phù hợp. Trong đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 đặt mục tiêu năm 2025, tổng diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ đạt đạt từ 1,5 – 2% tổng diện tích đất nông nghiệp và năm 2030 đạt từ 2,5 – 3%. “Đây là mục tiêu rất khó, không đơn giản vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ không phải trong ngày một ngày hai là có thể phát triển được và phát triển được thì phải quản lý được. Các địa phương không phát triển nông nghiệp hữu cơ ồ ạt mà từng bước hướng đến hữu cơ và đạt hữu cơ. Địa phương phải thấy thế mạnh là gì, chứ không phải cái gì cũng phát triển hữu cơ. Phải xác định cây, con chủ lực, xác định được diện tích và vị trí để sản xuất hữu cơ”, ông Nam nhấn mạnh.