Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng biển Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 25- 6, tại Hải Phòng, Bộ Tài nguyên- Môi trường tổ chức hội nghị “Tổng kết giai đoạn 2006- 2011 và triển khai giai đoạn 2012- 2020 của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên- môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020” (đề án tổng thể). Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường; Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố; đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương có biển, các nhà khoa học và các nhà quản lý…

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo TP Hải Phòng và các đại biểu dự hội nghị

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo TP Hải Phòng và các đại biểu dự hội nghị

Đề án tổng thể là đề án lớn, quan trọng có sự tham gia của nhiều Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và sự tham gia của một số địa phương liên quan, trong đó Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan thường trực. 5 năm qua, 18/20 dự án đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Các dự án góp phần khẳng định chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bước đầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hình thành thiết chế và tổ chức vận hành bộ máy, xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống tài liệu kỹ thuật về tài nguyên và môi trường biển. Đáng chú ý là đã có những phát hiện và đánh giá quan trọng về tiềm năng tài nguyên khoáng sản biển và đưa ra các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; đã và đang xây dựng và đưa vào hoạt động các trung tâm ứng phó với sự cố tràn dầu ở cả 3 miền; hoàn thiện các phương pháp đánh giá và xác định các khu vực nhạy cảm về ô nhiễm tràn dầu trên biển; xác định và đang hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu về đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên môi trường biển trên một số vùng biển trọng điểm; bước đầu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ điều tra; chú trọng hợp tác quốc tế trong công tác điều tra…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nêu bật vị trí quan trọng của thành phố Hải Phòng với cảng biển lớn nhất phía bắc, đô thị biển có tính đặc thù cao, có các ngư trường và trung tâm hậu cần nghề cá cấp quốc gia như  Long Châu, Bạch Long Vĩ, Cát Bà; có quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước; giữ vị trí trọng yếu trong thế trận  phòng thủ khu vực Đông Bắc; khu vực biển đảo, bảo vệ vững chắc hướng Đông Bắc của Tổ Quốc và  Thủ đô Hà Nội… Với vị thế đó, kinh tế biển Hải Phòng luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội thành phố theo hướng bền vững. Thành phố cũng có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về biển đảo như thành lập Chi cục Biển và Hải đảo; phê duyệt đề án quy hoạch phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng định hướng tới năm 2020; tập huấn kỹ thuật quy hoạch không gian biển… Tuy nhiên, Hải Phòng cũng gặp một số thách thức trong công tác quản lý vùng biển và phát triển kinh tế biển như sự cạnh tranh giữa các quốc gia có biển trong khu vực ngày càng gay gắt; công tác hoạch định chiến lược biển, quy hoạch, chính sách phát triển ngành, sản phẩm có lợi thế từ biển chưa đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH, theo hướng phát triển bền vững; công tác bảo vệ môi trường biển còn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan  giải như sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển, môi trường cảng; một số ngành kinh tế biển quan trọng như đóng tàu, khai thác khoáng sản và chế biến thủy sản, dịch vụ cảng và vận tải biển, du lịch biển chưa có những sản phẩm đủ sức cạnh tranh quốc tế… Từ thực tế đó, đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định yêu cầu nâng cao chất lượng hoạch định, xây dựng chiến lược biển, quy hoạch, chính sách phát triển ngành, sản phẩm có lợi thế từ biển và phát triển khoa học, công nghệ biển gắn với tăng cường củng cố, bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo đối với thành phố Hải Phòng là rất cấp bách. Vì thế, việc tổng kết thực hiện đề án tổng thể có ý nghĩa  quan trọng.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng lành đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hải Phòng, Tổng cục Biển và Hải đảo thăm các gian trưng bày giới thiệu về các công trình biển và hải đảo.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng lành đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hải Phòng, Tổng cục Biển và Hải đảo thăm các gian trưng bày giới thiệu về các công trình biển và hải đảo.

Hội nghị đã nghe nhiều báo cáo tham luận về kết quả thực hiện các dự án của các Bộ, ngành và các địa phương ven biển. Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả thực hiện đề án tổng thể trong 5 năm qua, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị khi triển khai thực hiện. Phó thủ tướng cũng nêu rõ một số hạn chế của đề án tổng thể như việc triển khai các dự án nhìn chung còn chậm và thiếu đồng bộ; hiệu quả của một số dự án chưa thật rõ nét; phần lớn các dự án mới chỉ điều tra ở khu vực gần bờ, chậm triển khai điều tra ở các vùng biển xa bờ và đối tượng nghiên cứu mới ( khoáng sản biển sâu, khí hydrate); vai trò điều phối, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai còn lúng túng, thiếu quyết liệt…

Phó thủ tướng chỉ đạo, giai đoạn 2012- 2020 của đề án tổng thể hướng tới mục tiêu đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam, xác lập luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý Nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển, thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững vùng biển, ven biển và hải đảo, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Do đó, cần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, thiết bị cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, dự báo về tài nguyên môi trường biển. Các dự án của giai đoạn 2012- 2020 phải được rà soát cụ thể, chặt chẽ, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án tổng thể, bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo, có lộ trình ưu tiên hợp lý cho các dự án cấp bách, chú trọng đầu tư đúng mức cho công tác điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển xa bờ và các loại hình tài nguyên mới, góp phần phục vụ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

>> Thành phố Hải Phòng đánh giá cao sự kiện này và mong muốn việc thực hiện đề án tổng thể sẽ cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn về quản lý biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam, phát huy lợi thế, tiềm năng biển của Hải Phòng để cùng với các địa phương ven biển sớm trở thành đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái, thân thiện với môi trường, gắn chặt với củng cố và tăng cường năng lực bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia vùng biển đảo.

Theo Báo Hải Phòng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!