T2, 06/07/2020 11:13

Phát triển kinh tế vùng bãi ngang ven biển miền trung

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 503 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015. Tuy nhiên, đến nay, nhiều vùng bãi ngang thuộc các tỉnh miền trung vẫn là “vùng trũng” cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế.

Xa dần giấc mơ bám biển

Xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong là một trong 12 xã bãi ngang ven biển của tỉnh Quảng Trị, cũng là xã nghèo nhất tỉnh. Hơn ba nghìn dân thì có 17,6% là hộ nghèo, chưa kể những hộ cận nghèo và mới thoát nghèo vẫn ở trong giới hạn mong manh của tái nghèo và nghèo phát sinh. Với một xã ven biển, những tưởng đánh bắt thủy, hải sản là nghề chính của người dân, nhưng thực tế cả xã chỉ có gần 100 lao động theo nghề biển; phương tiện đánh bắt chủ yếu thuyền nhỏ, thô sơ, công suất từ 15 đến 22 CV, phạm vi hoạt động chỉ cách bờ vài ki-lô-mét. Vậy người dân ở đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề gì? – Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Ngưỡng, Chủ tịch UBND xã. Anh trầm ngâm, nói: Nghề gì cụ thể thì khó nói lắm vì nhiều năm trước người dân cũng theo nghề biển, nhưng mấy năm trở lại đây do nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt, tàu cá công suất lại quá nhỏ, không có khả năng đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi biển cho thu nhập chả đáng là bao, nhiều hộ dần dần bỏ nghề. Có một số hộ chuyển sang trồng trọt, nhưng ở miền đất nắng gió vá cát bỏng này, mọi thứ đều phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, trồng cây gì cũng khó. Mỗi năm, trồng lúa được một vụ vì không có hệ thống thủy lợi, chỉ trông chờ vào nguồn nước tự nhiên. Lúa thường gieo tháng 11, sang đến tháng 2 năm sau mà trời không mưa, gặp triều cường, nước mặn xâm nhập vào là hỏng. Ngoài cây lúa, mấy năm nay, cán bộ xã Triệu Vân khuyến khích bà con trồng đậu đen xanh lòng, nhưng rồi cũng phải “chào thua” vì hạn hán, cây cho năng suất thấp, có diện tích còn mất trắng.

Quả thế thật, đi khắp xã, ấn tượng lớn nhất vẫn là những vùng đất cát trắng trơn, làng xóm đìu hiu, vắng hoe vắng hoắt. Ghé thôn 7, gặp ông Nguyễn Quang Quýnh, ông chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, 100% người dân trong thôn mưu sinh bằng nghề biển, nhưng giờ bỏ nghề gần hết. Các con nhà tôi cũng thế, không sống được bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, cũng chả biết trồng trọt, chăn nuôi cho nên vào nam làm ăn, để cháu cho ông bà chăm sóc.

Không khác Triệu Vân, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tạo cảm giác hoang vắng, đìu hiu cho người đến ngay từ lần đầu tiên. Chỉ cách thị trấn Lăng Cô hơn 10 km nhưng xã lại như một ngôi làng heo hút. Trong căn nhà trống huơ trống hoác, chị Nguyễn Thị Lành ở thôn Bình An bảo: Nghề biển giờ kém lắm, chả lời lãi là bao, có khi hụt vốn. Bao nhiêu năm nay, nhà tui vừa làm vừa đắp đổi qua ngày, chỉ mong không nợ nần là may. Nhà có năm đứa con mà nghỉ học cả rồi. Chị Lành nén tiếng thở dài. Cạnh nhà chị Lành, ông Trần Lập đang ngồi vá lưới. Hỏi về những chuyến đi biển, ông lắc đầu: Chẳng có nghề chi thì phải làm nghề biển, làm cả tháng hên thì được một triệu, không hên thì 400 đến 500 nghìn đồng, xui nữa thì trắng tay!

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh Bùi Ngọc Ga giãi bày. Trong văn bản, báo cáo, hộ nghèo của cả xã hiện còn khoảng 100 hộ, hộ cận nghèo là 164, nhưng thực tế, con số đó chắc chắn lớn hơn. Có nhiều hộ thoát nghèo là do chỉ tiêu, chứ xét theo khung chuẩn thì làm sao ra khỏi danh sách hộ nghèo. Xã không có nghề chủ đạo nào ngoài đánh bắt hải sản, nhưng những năm gần đây, nguồn lợi này đã cạn kiệt. Hơn nữa, từ năm 1996, xã nằm trong diện quy hoạch Khu kinh tế Cảng Chân Mây nên một phần khá lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi (776 ha/3.300 ha). Bà con không còn đất canh tác, số lượng lao động dôi dư khá lớn, ảnh hưởng đời sống dân sinh và an ninh trật tự trên địa bàn. Dẫn chúng tôi đến những khu chợ tạm, khu trường tiểu học, THCS đã xuống cấp trầm trọng, những trại nuôi tôm giống bỏ hoang, những khu đất dự án trống trơ…, vị lãnh đạo xã ngậm ngùi: Xã họp bàn nhiều lắm rồi, nhưng chưa tìm ra hướng phát triển kinh tế như thế nào cho bà con nơi đây.

Khắc khoải tìm hướng đi!

Theo Quyết định 1489/2012/QÐ-TTg ngày 8/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì các xã bãi ngang sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình cung cấp điện, bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản, đầu tư chuẩn hóa trạm y tế, các công trình văn hóa, thể thao…

Tuy nhiên, thực tế ở hầu hết các xã bãi ngang, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu còn thiếu và yếu. Vì vậy, đời sống của cư dân còn quá nhiều khó khăn, bấp bênh và thiếu hụt về văn hóa, giáo dục và y tế. Tính đến hết năm 2013, hầu hết các xã bãi ngang đạt rất ít tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉ ở mức năm đến bảy tiêu chí, thậm chí thấp hơn. Ðể tháo gỡ khó khăn này, không có cách nào khác, phải phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Bởi hiện nay, ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chính phủ mà các xã bãi ngang nhận được là một tỷ đồng/năm/xã thì nguồn vốn từ các chương trình lồng ghép khác đều không đáng kể. Vì vậy, nếu không có nội lực từ phát triển sản xuất kinh tế hộ thì các xã bãi ngang khó có thể thay đổi bộ mặt nông thôn.

Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cố vấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Lê Huy Ngọ từng nhấn mạnh: Muốn tổ chức lại sản xuất cho các xã bãi ngang ven biển thì phải đặt vấn đề khai thác, đánh bắt và chế biến, tiêu thụ thủy hải sản lên hàng đầu, bởi ở các vùng này, nghề biển vẫn là nghề truyền thống. Xa hơn, cần tổ chức ngư dân thành các nhóm khai thác thủy sản ven bờ, tiến tới xa bờ, tổ chức đội tàu khai thác phù hợp. Từ đó làm tiền đề cho việc hình thành các cơ sở chế biến thủy hải sản, tăng giá trị và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, đối với những xã có tiềm năng phát triển các loại hình kinh tế nông nghiệp khác cần có sự đầu tư trọng tâm trọng điểm. Như xã Triệu Vân, cần có hướng khai thác hiệu quả đất đai vùng cát để tăng năng suất và sản lượng các loại cây trồng. Trong đó, phải làm kè ngăn mặn và đóng giếng khoan, tạo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Bãi ngang vốn là những vùng đất nghèo, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt thì người dân khó có khả năng cải thiện đời sống. Vì vậy, để xóa những điểm trũng về kinh tế – xã hội trên vùng đất này, rất cần sự đầu tư, hỗ trợ đắc lực từ các chương trình, dự án phát triển toàn diện của Nhà nước trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Ánh Tuyết

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!