Phát triển ngành tôm việt: Công nghệ lên ngôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi hội chợ hay hội chợ triển lãm đều có tiêu chí riêng, VietShrimp 2016 sẽ tập trung đến công nghệ, thiết bị và kỹ thuật nuôi tôm. Ban tổ chức xin giới thiệu một số công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản.

Nuôi tôm kết hợp cá rô phi

Mô hình đã thực hiện thành công tại Hợp tác xã (HTX) Hòa Nghĩa, Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Trong quá trình triển khai, HTX đã tuyên truyền vận động thành viên, hộ nuôi trong khu vực ứng dụng nuôi tôm thả ghép cá rô phi (do đặc điểm của cá tính ăn lọc tảo, khả năng ăn và tiêu hóa các loài tảo lam, các chất hữu cơ lơ lửng, cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của tảo từ phân cá bài tiết, kích thích tảo lục phát triển). Việc thả nuôi cá rô phi và thả ghép trong ao nuôi tôm là hệ thống máy lọc sinh học xử lý môi trường giảm đáng kể vi khuẩn nhóm Vibrio gây bệnh, chủ động nguồn nước để sử dụng tuần hoàn khép kín. Đối với ao nuôi cá rô phi, bố trí thả cá mật độ 2 – 3 con/m2 để cá lọc nước cân bằng lượng phiêu sinh vật, duy trì tạo quần thể tảo và được bơm cấp tuần hoàn khi tôm nuôi đạt 15 – 20 ngày tuổi và trong quá trình nuôi. Trước khi bơm cấp cho các ao nuôi tôm, diệt khuẩn Iodine 200 ml/1.000 m3. Đối với ao nuôi tôm, nguồn nước từ ao nuôi cá rô phi cấp vào ao nuôi phải qua túi vải mouselin để ngăn chặn trứng tép, cá vào trong ao; nên lấy vào buổi chiều mát hoặc sáng sớm. Túi vải phải có chiều dài 10 – 15 m để khi bơm không bị ép nước. Thời gian thả ghép cá rô phi có hai thời điểm: Sau khi xử lý nước để thả tôm hoặc khi tôm nuôi đạt 15 – 20 ngày tuổi.

phát triển ngành tôm việt công nghệ lên ngôi

Áp dụng công nghệ tiên tiến là hướng đi được nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm lựa chọn – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

MCT: Sản phẩm mới dùng cho thủy sản nuôi

Medium Chain Triglycerides (MCT) là sản phẩm tổng hợp, sản xuất bằng công nghệ hiện đại có tác dụng hiệu quả đối với hệ tiêu hóa của vật nuôi. MCT được tạo thành từ nhiều acid béo mạch trung bình có chuỗi carbon từ C6 – C8 được ester hóa với glycerol, thường được gọi là triglycerides mạch trung bình MCT. Với thành phần là các phân tử acid béo tốc độ ly giải chậm, MCT có tác dụng kiểm soát hệ vi sinh trong hệ thống dạ dày – ruột của tôm và cá. Ester hóa giúp cho các acid béo không bị biến đổi khi đi qua môi trường acid trong dạ dày và được phát huy tối đa hiệu quả trong phần ruột trên. Bên cạnh đó, MCT còn kích thích sự phát triển của các nhung mao ruột. Tỷ lệ độ dài nhung mao/hốc nhung mao tăng cho thấy sự cải thiện chức năng và sức khỏe của lớp niêm mạc ruột. Hiệu quả tích cực này giúp tăng diện tích hấp thu của ruột non, nâng cao khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn từ đó giúp cơ thể lớn nhanh hơn. Khi được bổ sung vào khẩu phần ăn của động vật với hàm lượng thấp, ngoài tác dụng lên hệ thống ruột non, các acid béo đặc biệt này còn có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn cũng như một vài loại virus có vỏ bọc. Khi đi qua phần ruột dưới, các acid béo này được tái hấp thụ và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng và năng lượng. Bằng tác dụng kiểm soát hệ vi sinh đường ruột, tác động tích cực trên hệ thống tiêu hóa và hệ thống miễn dịch, MCT giúp vật nuôi sử dụng tối đa nguồn năng lượng có trong thức ăn. MCT được hấp thu, vận chuyển và chuyển hóa nhanh hơn nhiều so với các loại dầu và chất béo thông thường được dùng trong thức ăn cho vật nuôi.

 

Kỹ thuật ương vèo siêu thâm canh (Raceway)

Kỹ thuật Raceway xuất phát từ các quốc gia Nam Mỹ (Mexico, Ecuador, Honduras, Mỹ, Guatemala…), phát triển mạnh từ năm 2008 khi dịch bệnh EMS bùng phát mạnh tại các quốc gia này. Mục tiêu quan trọng của Raceway là giảm thiểu rủi ro do chết sớm trong tháng nuôi đầu; Rút ngắn thời gian toàn vụ nuôi; Và tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất. Raceway yêu cầu ở vị trí thuận tiện cho việc sang tôm đến các ao sau khi ương. Gần các ao lắng và cấp nước (phải có ao lắng). Yêu cầu kết cấu ao ương phải lót bạt 100%, hoặc bể cement, hoặc bể ương chuyên dùng. Yêu cầu hệ thống phải đặt trong nhà để đảm bảo an toàn sinh học và ổn định nhiệt độ 28 – 320C; hệ thống khí; hệ thống tạo dòng chảy. Yêu cầu về thức ăn, phải sử dụng thức ăn chuyên dùng cho ương mật độ cao được nhập khẩu từ Mỹ, đạm hấp thu 100%, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ cho môi trường ương.

 

Nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn

Qua thời gian nghiên cứu, thực nghiệm các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh sử dụng công nghệ sinh học, không sử dụng kháng sinh hóa chất, Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh đã thành công với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc với hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, nuôi ương đến 20 ngày sau đó chuyển xuống ao nuôi giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2, mật độ nuôi 200 – 300 con/m2. Qua 3 tháng nuôi tôm đạt size 35 – 50 con/kg, năng suất cao, trung bình 150 – 200 tấn/ha/năm, FCR 0,85 – 1. Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc phát triển trên nguyên lý duy trì tỷ lệ Cacbon/Nitơ hợp lý (12/14) để vi sinh vật hữu ích phát triển; thúc đẩy quá trình phân hủy dị dưỡng các hợp chất nitơ trong ao nên không cần thay nước trong suốt quá trình nuôi. Mô hình này có những ưu điểm vượt trội như: Ammonia tự do trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành Biofloc lơ lửng trong nước; Động vật thủy sản nuôi sử dụng sinh khối Biofloc làm thức ăn, do vậy chuyển hóa protein trong thức ăn lên đến 45 – 50%; Nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không hoặc ít phải thay nước…

 

Nuôi tôm bền vững với bạt HDPE

nuôi tôm lót bạt hdpe

Nuôi tôm lót bạt HDPE – Ảnh: PTC

Bạt HDPE được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, thủy lợi, môi trường, nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng…, chiếm hơn 60% trong các loại bạt nhựa hiện có trên thị trường. HDPE là loại bạt được sử dụng nhiều nhất cho các ứng dụng chứa nước. Ưu điểm không thấm nước (k < 10 – 12 cm/sec); Vật liệu kháng hóa chất tốt nhất; Kháng tia UV tuyệt hảo; Chịu được nhiệt (hoạt động tốt trong khoảng 70 – 800C); Tuổi thọ cao (lên tới hàng trăm năm); Vật liệu kháng rêu, tảo rất tốt. Chính vì thế, lót ao nuôi bằng bạt chống thấm HDPE sẽ giúp chống thấm/chống mất nước; Ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm; Cho phép quản lý tốt hơn chất lượng nước trong ao nuôi; Và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Để thành công trong nuôi tôm và tạo lợi nhuận bền vững, người nuôi cần phải chuẩn bị và quản lý ao nuôi tốt; Chất lượng nước tốt; Thường xuyên hút bùn thải (hố gom giữa ao). Theo đó, việc sử dụng bạt HDPE chất lượng cao là một trong những giải pháp hiệu quả để người nuôi tôm nâng cao năng suất; Quản lý tốt hơn chất lượng nước ao nuôi; Chống xói lở bờ ao do sóng, giảm chi phí bảo trì; Thân thiện với môi trường – ngăn ô nhiễm nước ngầm; Quản lý và ngăn ngừa tác nhân gây bệnh xâm nhập ao nuôi – dễ dàng vệ sinh/tẩy trùng và cho ăn…

>> VietShrimp 2016 sẽ có 5 phiên hội thảo với nhiều tham luận chú trọng vào quy trình, giải pháp kỹ thuật, nuôi tôm bền vững cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Tuy đây là lần đầu tiên được tổ chức, nhưng các phiên hội thảo chắc chắn sẽ có thông tin mới, tư duy tiên tiến, mang lại lợi ích lớn cho cả 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân).

Hồng Thắm (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!