Phát triển nuôi luân canh tôm sú – rong câu và sản xuất ngao giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 9/12, tại TP Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Thái Bình tổ chức Hội thảo Phát triển nuôi luân canh tôm sú – rong câu và Phát triển mô hình sản xuất ngao giống. Tham dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền.

hội thảo phát triển nuôi luân canh tôm sú - rong câu

Để cải thiện tình hình nuôi tôm, cải tạo môi trường sinh thái, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu theo quy hoạch nuôi biển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì dự án Xây dựng mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu trong ao nước lợ”. Thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015.

Kết quả, Dự án đã triển khai xây dựng thành công 16 mô hình trên diện tích 32 ha tại 9 tỉnh (Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận) có nhiều diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tôm sú trước đây. Theo đó, tỷ lệ tôm sú sống 62,67%, hệ số thức ăn 1,39; năng suất 2,05 tấn/ha; rong câu năng suất đạt 2,07 tấn khô/ha. Các chỉ tiêu này đều đạt mức kế hoạch đặt.

mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm sú rong câu trong ao nước lợ tại hộ ông Tô Văn Tiến, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: mô hình góp phần đẩy nhanh tốc độ củng cố phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho nông dân tại các vùng ven biển (thu 70 – 200 triệu/ha so với bỏ hoang ao đầm; tăng 4 – 20 triệu/ha so với canh tác tôm sú 1 vụ). “Trong mô hình luân canh tôm sú – rong câu thì rong câu chỉ là yếu tố phụ về mặt kinh tế nhưng lại có vai trò chính trong bảo vệ môi trường, nuôi thân thiện và bền vững. Đây chính là yếu tố khác biệt, tạo sự thành công so với những hoạt động nuôi tôm thâm canh bình thường”, ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh.

Với mô hình sản xuất ngao giống, mô hình giúp tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích: đối với mô hình ương trực tiếp từ ngao giống cấp I lên cấp II lợi nhuận đạt từ 500 triệu/mô hình; từ sinh sản nhân tạo đến ương ngao giống cấp II đạt 600 triệu/mô hình, tăng so với ngoài mô hình 20 – 30%.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đánh giá cao hiệu quả của các dự án Phát triển nuôi luân canh tôm sú – rong câu và Phát triển mô hình sản xuất ngao giống do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp và triển khai. Đồng thời đề nghị Trung tâm xây dựng hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật để tuyên truyền và nhân rộng hiệu quả mô hình, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân khi tham gia triển khai dự án.

Tin, ảnh: Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!