Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý địa phương phải ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bằng mọi hình thức.
Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đến kiểm tra công tác khắc phục cảnh báo của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang; đi thăm một số mô hình nuôi thuỷ sản trên biển và làm việc với lãnh đạo tỉnh tại huyện Phú Quốc.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại Phú Quốc
Làm việc với đoàn công tác, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện nay Kiên Giang có hơn 9.800 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, chiếm 10% tổng số tàu của cả nước. Về khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu, Kiên Giang đã tăng cường tuyên truyền luật của các nước, hình thức vi phạm và các mức xử phạt cho người dân, giám sát chặt chẽ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thực hiện xác nhận chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản tại bến…
Tuy nhiên tình trạng tàu cá vi phạm vẫn tiếp diễn. 6 tháng đầu năm nay xảy ra 30 vụ với 52 tàu, tăng 21 tàu so với cùng kỳ; tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên việc mở máy kết nối với trạm bờ của địa phương còn hạn chế…
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế mà Kiên Giang cần phải khắc phục ngay, nhất là tỷ lệ thiết bị giám sát hành trình bật khi hoạt động trên biển rất thấp, chỉ 30 – 40%, tỉnh cần có quy trình xử lý đối với những tàu cá bị ngắt kết nối, cần tăng cường hơn nữa nguồn nhân lực tại cảng, cần có đầu tư về hạ tầng để đảm bảo an toàn thực phẩm tại cảng cá Tắc Cậu.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý địa phương phải ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bằng mọi hình thức. Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập trung vào việc kiểm soát tàu thuyền Việt Nam ở vùng biển Việt Nam, tăng cường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong đánh bắt hải sản; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Phó Thủ tướng tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên biển
“2 nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cấp bách của Kiên Giang trong thời gian tới là chấm dứt tình trạng đánh cá bất hợp pháp; thứ hai là phải gắn việc phát triển ngành thuỷ sản với tái cấu trúc ngành thuỷ sản. Chúng ta tái cấu trúc tốt ngành thuỷ sản thì chúng ta sẽ chấm dứt được tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và làm cho ngành thuỷ sản phát triển một cách bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thêm: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, trong đó nguyên nhân rất quan trọng là năng lực khai thác thuỷ hải sản của chúng ta quá lớn, vượt quá khả năng cung cấp nguồn lợi thuỷ sản trên biển dẫn đến khai thác thuỷ sản hiệu quả thấp, năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp. Điều này khiến ngư dân tìm đến những ngư trường có nguồn lợi thuỷ sản nhiều hơn dẫn đến những vi phạm. Mặc khác do năng lực khai thác nhiều như vậy dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn lợi thuỷ sản. Về lâu dài, để ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững phải tái cấu trúc lại ngành thuỷ sản, trong đó giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản.
Phó Thủ tướng nói: “Sắp tới sẽ có hội nghị đánh giá tình hình phát triển thuỷ sản, trong đó tổng kết lại nghị định 67, một số chính sách đối với ngành thuỷ sản để chúng ta đề ra một số chiến lược phát triển thuỷ sản trong giai đoạn mới, trong đó đặc biệt tập trung tái cấu trúc ngành thuỷ sản theo hướng tập trung vào nuôi trồng thuỷ sản, tăng cơ cấu nuôi trong thuỷ sản, giảm tương đối khai thác thuỷ sản. Như vậy chúng ta sẽ tăng được giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản, nâng cao được hiệu quả, năng suất, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của ngư dân, người dân vùng ven biển”./.
Lam Hiếu
Theo VOV Online