(TSVN) – Tết Nguyên đán ở các nước châu Á không chỉ là ngày lễ quan trọng nhất mà còn là dịp để gia đình sum họp sau một năm bận rộn. Mỗi món ăn trên mâm ngày Tết đều bắt nguồn từ truyền thống xưa và có ý nghĩa liên quan đến sự khởi đầu của một năm mới. Dưới đây là những món ăn về thủy sản nhằm đem lại may mắn trong ngày đầu năm mới của một số quốc gia.
Trong bữa ăn đầu năm của Singapore và Malaysia đều có chung một món ăn truyền thống là Yu Sheng. Gỏi cá thường được dùng làm món khai vị để mang đến sự may mắn, giàu sang cho gia chủ. Món này làm từ cá hồi tươi kết hợp với các loại trái cây, rau củ như bưởi, đu đủ, củ cải, cà rốt thái sợi, rau sống, đậu phộng, vừng (mè)… Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng. Ngoài ra, người Singapore và Malaysia cũng cho thêm cà rốt và dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và may mắn phát tài.
Gỏi cá thịnh vượng
Theo phong tục của người Trung Quốc, bữa ăn đầu năm nên có nhiều món ăn may mắn, quan trọng nhất là sủi cảo và cá. Hai món ăn này được xem như “lá bùa” mang đến sự may mắn và thịnh vượng. Trong đó, từ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”. Trong khi món bánh sủi cảo có hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại tài lộc cho cả năm.
Riêng món cá phải là cá nguyên con. Theo phong tục, ăn nguyên một con cá ý muốn nói rằng năm nay sẽ được suôn sẻ từ đầu đến cuối, không gặp trở ngại gì. Chính vì thế mà khi nấu cá cho mâm cỗ ngày Tết, mọi người phải để nguyên con chứ không được cắt ra hoặc băm nhỏ. Cách chế biến tốt nhất đó là hấp lên cùng với một số loại gia vị khác. Bên cạnh đó, cách ăn cá và cách sắp xếp cũng có một số lưu ý nhất định. Cụ thể là vào đêm cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ chỉ ăn phần giữa thân con cá, để lại phần đầu và đuôi cho buổi sáng hôm sau, cũng tức là ngày đầu tiên của năm mới. Điều này mang ý nghĩa dư thừa của năm trước sẽ được mang sang năm mới, giúp gia đình thu hút được nhiều tài lộc.
Cá hấp nguyên con trong mâm cơm Tết của người Trung Quốc
Mặc dù Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết Dương lịch nhưng vào những ngày đầu năm của Tết Nguyên đán, người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống. Những món ăn ngày đầu năm của người Nhật được gọi chung là Osechi ryori, có ý nghĩa giúp các gia đình có thể sống tốt qua những ngày đầu năm mới khi mà các cửa hàng đều đã đóng cửa. Osechi ryori là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và hải sản – những nguyên liệu nấu ăn phổ biến ở Nhật Bản. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đen, cá và hải sản sẽ giúp họ có sự năng động, hoạt bát hơn, trí não sáng suốt hơn để làm việc hiệu quả.
Ngoài các món trên, trong ngày Tết còn có nhiều loại nước sốt được làm từ các loại đậu để chấm các loại bánh, chả và cá nướng. Thực phẩm để ăn cùng với nước sốt và gỏi cá là các loại bánh, mì sợi được chế biến từ các loại gạo.
Tất cả những món ăn trong năm mới thường được người Nhật bảo quản trong những chiếc hộp gỗ sơn mài màu đỏ. Họ quan niệm hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.
Osechi ryor
Thành phần của món ăn này gồm có cá phi lê với nước cốt dừa, đậu phộng, trứng vịt, thốt nốt và hỗn hợp gia vị cay truyền thống được gọi là Kroeung. Tất cả nguyên liệu sẽ được gói trong lá chuối và hấp lên. Món ăn có vị cay của ớt, vị ngậy của cốt dừa và vị ngọt của thốt nốt. Món ăn này ăn kèm với cơm hoặc mì. Không chỉ có trong ngày Tết, du khách đi du lịch Campuchia có thể tìm được món ăn này ở khắp các con phố.
Cá Amok Trey
Ngọc Diệp (Tổng hợp)