Phòng, trị bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôm thẻ chân trắng nuôi có hiện tượng phát sáng, yếu, bơi không định hướng, tấp mé bờ, phản ứng chậm chạp, bỏ ăn, chết rải rác. Xin hỏi nguyên nhân và cách phòng trị?

(Hoàng Văn Thái, xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Theo mô tả, tôm nuôi đang bị bệnh phát sáng. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh phát sáng phát triển mạnh trong môi trường nước giàu dinh dưỡng, nhiều chất hữu cơ ở độ mặn cao, thiếu ôxy hòa tan, lây lan nhanh trong mùa nóng. Để phòng bệnh: Đối với trại giống cần vệ sinh kỹ lưỡng bình ấp trứng, bể ương. Xử lý nguồn nước bằng UV, chlorine… Đối với tôm giống: Chọn tôm bố mẹ khỏe mạnh, sạch bệnh (kiểm tra bằng PCR), thả nuôi tôm giống với mật độ phù hợp. Nuôi tôm ở độ mặn vừa đủ, không quá cao, hạ độ mặn để ức chế vi khuẩn phát sáng. Vào mùa hè, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5 m và độ trong của nước 30 – 40 cm để hạn chế khả năng tăng nhiệt. Thường xuyên kiểm tra pH, độ đục, màu sắc, tảo và đáy ao để có phương pháp xử lý kịp thời. Sử dụng men vi sinh định kỳ cho ao nuôi. Kiểm tra sàng ăn hàng ngày, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa làm ô nhiễm nước và đáy ao. Thay nước định kỳ, hút bùn, để giảm bớt lượng chất hữu cơ trong ao. Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng vi lượng vào khẩu phần ăn hàng ngày của tôm nuôi để tạo sức đề kháng, giảm stress cho tôm. Sau khi tôm được 21 ngày tuổi, định kỳ kiểm tra vi khuẩn Vibrio trong nước 3 ngày/1 lần. Khi tôm nhiễm bệnh phát sáng cần bổ sung vitamin và men tiêu hóa vào thức ăn. Thuốc kháng sinh được sử dụng chỉ có kết quả khi phát hiện bệnh phát sáng sớm. Diệt khuẩn nước trong ao và khử trùng dụng cụ, thiết bị.

Hỏi: Giải pháp phòng bệnh EHP ở tôm nuôi hiệu quả?

(Trần Thanh Hằng, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)

Trả lời:

Bệnh EHP trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Ký sinh trùng này ký sinh trong ống gan tụy của tôm và làm tôm không hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến tôm chậm lớn. Cách tốt nhất là hạn chế sự xâm nhập của EHP vào ao nuôi và kiểm soát sự lây nhiễm của nó trong ao ở mức thấp nhất. Chẩn đoán sớm bằng PCR giúp phát hiện bệnh sớm để kịp thời xử lý sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại. Kiểm soát thức ăn tươi sống đảm bảo không nhiễm vi bào tử trùng; ngoài ra theo những nghiên cứu gần nhất, bảo quản thức ăn tươi sống vào tủ đông ở nhiệt độ – 200 độ C ít nhất 24h trước khi cho tôm ăn có thể giúp phá hủy các vi bào tử và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh từ nguồn thức ăn này. Các dụng cụ sử dụng trong hệ thống trại giống trước khi đưa vào sử dụng nên được phơi khô hoàn toàn, ngâm với các chất sát trùng như Chlorine 40 ppm, KMnO4 15 ppm ít nhất 15 phút, sau đó rửa sạch các chất tẩy rửa và phơi thật khô, trước và sau khi sử dụng cần nhúng qua Chlorine 200 ppm. Phơi đáy ao, bón vôi để nâng cao pH đáy ao giúp loại bỏ vi bào tử trùng. Xử lý kỹ nước khi đưa vào ao nuôi và trước khi thả giống: sử dụng ao lắng hoặc các biện pháp để hạn chế lượng chất hữu cơ vào ao. Nguồn nước nên được khử trùng bằng KMnO4, liều lượng 5 ppm hoặc Chlorine 10 ppm để diệt các bào tử trong nước trước khi đưa vào ao nuôi. Thực hiện phòng bệnh tổng hợp để không đưa mầm bệnh vào vùng nuôi, áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình nuôi.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!