Liên cầu khuẩn ở cá rô phi được coi là bệnh gây ra sự tàn phá nhiều nhất, có thể gây chết cá với số lượng lớn, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho người nuôi. Do đó, cần có các biện pháp phòng và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Nguyên nhân
Bệnh liên cầu khuẩn là do vi khuẩn Streptococcus iniae và Streptococcus agalactiae là vi khuẩn Gram dương.
Dịch bệnh thường xảy ra khi cá nuôi tiếp xúc với sự căng thẳng (stress) như nhiệt độ nước tăng, lượng ôxy trong nước thấp dưới mức cho phép hoặc cá bị nuôi với mật độ cao trong thời gian dài. Cá có kích thước lớn (từ 100 g đến cỡ thương phẩm) dễ bị mắc bệnh hơn cả. Bệnh ở giai đoạn cấp tính với đỉnh điểm tử vong trong khoảng từ 2 – 3 tuần khi nhiệt độ nước cao. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ở giai đoạn mãn tính khi nhiệt độ nước thấp có thể làm giảm thấp tỷ lệ chết. Bệnh lây lan theo chiều ngang từ các con cá với nhau (cá khỏe ăn cá bị bệnh, ăn thịt lẫn nhau, do vết thương trên da…) và cũng có thể lây truyền từ môi trường đến cá.
Biểu hiện
Do vi khuẩn gây bệnh có hướng tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương của cá nên cá bị bệnh sẽ có biểu hiện bị hôn mê và mất phương hướng. Cá bơi lờ đờ trên tầng mặt, một số cá bị bệnh nặng bơi nghiêng mình trên mặt nước và quay tròn sau đó tử vong. Mắt cá bị lồi một bên và trên mắt kéo một lớp màng màu trắng đục. Phía trong nắp mang bị xuất huyết, có màu đỏ nhưng không bị thối.
Giải phẫu trong xoang bụng chứa nhiều dịch, ruột xuất huyết và chứa các bọt khí. Sự có mặt của dịch chất lỏng trong bụng của cá là dấu hiệu của dịch bệnh ở thời kỳ cấp tính. Dịch này có thể được nhìn thấy chảy ra từ hậu môn của cá. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh vi khuẩn nhanh chóng đi đến hệ thống máu và lan tỏa đến tất cả các cơ quan nội tạng. Những dấu hiệu lâm sàng chính liên quan đến sự nhiễm trùng máu là sự xuất huyết, viêm gan, thận, lá lách, tim, mắt và ống ruột. Lá lách thường mở rộng ra (trương và sưng nhẹ).
Ngoài ra khi cá bị nhiễm bệnh nặng, bệnh còn kết hợp với những vi khuẩn cơ hội khác gây bệnh cho cá có sẵn trong môi trường như vi khuẩn Aeromonas spp ở nước ngọt hay vi khuẩn Vibrio spp ở trong nước lợ.
Biện pháp phòng bệnh
Sau mỗi một chu kỳ nuôi cần tuân thủ quy trình cải tạo ao nuôi như sau: Tháo cạn nước, vét bớt bùn chỉ để 10 – 15 cm; Bón vôi đều khắp ao 10 – 15 kg/100 m2; Phơi đáy ao khô 7 – 10 ngày; Cấp nước vào ao nuôi 50 – 60 cm; Gây màu nước cho ao nuôi trước khi thả giống.
Nguồn nước cấp phải sạch, nước phải qua lưới lọc nhuyễn để tránh các loại côn trùng, cá tạp, cá rô tự nhiên vào ao nuôi. Trước khi đưa cá giống xuống ao tắm cho cá trong dung dịch muối (NaCl) với nồng độ 2 – 3% trong thời gian 7 – 10 phút.
Quản lý môi trường nước: Định kỳ 2 – 3 tuần/lần dùng vôi bột hòa nước té đều cho ao với lượng 2 – 3 kg/100 m3. Thay nước định kỳ hàng tháng khoảng 30 – 50% lượng nước trong ao. Bổ sung máy phun mưa hoặc máy quạt nước để tạo ôxy cho ao nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học như: EM, EMC giúp ao nuôi ổn định chất lượng nước, cải tạo nền đáy, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại. Thời gian tháng 6, 7 hàng năm là thời điểm thường xuất hiện bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi, vì thế cần sử dụng BKC, TCCA té đều khắp ao 1 lần/tháng để diệt khuẩn.
Quản lý thức ăn: Cho cá ăn theo đúng khẩu phần ăn 4 – 6% trọng lượng cá và giảm dần ở các tháng tiếp theo. Thức ăn công nghiệp phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không nhiễm nấm Salmonela, Aspergillus flavus, độc tố Aflatoxin, không chứa các loại kháng sinh, hóa chất đã bị cấm sử dụng. Bổ sung Vitamin C định kỳ để tăng cường sức đề kháng cho cá. Ngoài ra, thường xuyên quan sát mức nước trong ao để điều chỉnh cho đủ theo quy định. Giai đoạn cá đạt 300 g/con cần duy trì lượng ôxy hòa tan > 3 mg/l. Theo dõi thời tiết, tình hình hoạt động của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Điều trị
Khi bệnh liên cầu khuẩn xuất hiện trên cá rô phi cần tuân thủ phác đồ điều trị sau:
Giảm cho ăn: Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở giai đoạn cấp tính nên giảm một phần thức ăn hoặc giảm hoàn toàn thức ăn có thể giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ tử vong. Một trong những giả thuyết giải thích cho việc này là vi khuẩn có mặt trong nước và xâm nhập thuận lợi vào cơ thể theo đường thức ăn.
Giảm mật độ nuôi: Khi tỷ lệ tử vong tăng thì việc giảm mật độ nuôi sẽ giúp giảm bớt đi sự căng thẳng và sự chuyển tải của mầm bệnh trong đàn cá. Luôn giữ mức ôxy hòa tan ở mức tối ưu bằng cách sử dụng quạt nước thường xuyên.
Giảm nhiệt độ của nước: Khi nhiệt độ nước cao dễ tạo căng thẳng cho cá và là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Vì vậy, việc hạ thấp nhiệt độ nước có thể được thực hiện trong hệ thống nuôi nước tuần hoàn nơi mà nhiệt độ nước được kiểm soát. Đối với những ao nuôi có kích thước nhỏ có thể dùng lưới che nắng để giảm bớt nhiệt độ nước. Sử dụng máy quạt nước vào ban đêm cũng là cách làm giảm nhiệt độ nước và tăng lượng ôxy.
Điều trị bằng kháng sinh: Cho cá ăn kháng sinh Doxycycline (100%) 4 g/100 kg cá, 5 ngày liên tục và kết hợp với Vitamin C 2 – 4 g/100 kg cá; đồng thời xử lý môi trường bằng TCCA hoặc BKC theo hướng dẫn. Hòa tan thuốc và Vitamin C vào nước rồi té đều lên thức ăn công nghiệp để cho ráo thức ăn rồi mới cho cá ăn.
Chú ý: Kháng sinh chỉ có thể điều trị bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh (mới bị bệnh), nhưng việc sử dụng kháng sinh cần được chú ý vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều lượng cao dần sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và ảnh hưởng đến dư lượng kháng sinh tồn dư trong thịt cá.
>> Bệnh liên cầu khuẩn ở cá rô phi có mối quan hệ mật thiết với nhiệt độ nước cao (phát triển mạnh nhất khi nhiệt độ nước trên 300C) chất lượng môi trường nước nuôi kém, bệnh xảy ra vào mùa hè tháng 6 và tháng 7. |
Bích Hòa