Phụ phẩm tôm biển: Nguyên liệu thức ăn tiềm năng cho TTCT

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phụ phẩm tôm biển Bắc Hải được đánh giá là phụ gia thức ăn tiềm năng cho tôm thẻ chân trắng (TTCT) nhờ tác dụng cải thiện tăng trưởng, thúc đẩy khả năng sử dụng thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống cho vật nuôi.

Nguồn dinh dưỡng còn bỏ ngỏ

Tôm biển Bắc Hải (Crangon crangon) là đối tượng quan trọng nhất trong số các loài đang được khai thác thương mại tại vùng Bắc Hải với sản lượng hàng năm 30.000 tấn và phụ phế phẩm sau chế biến khoảng 21.000 tấn. Phụ phẩm tôm Bắc Hải chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng (521 g/kg protein thô; 15 MJ/kg năng lượng thô; 74 g/kg lipid) nên có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của TTCT Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei).

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin khoa học về mức độ ảnh hưởng của phụ phẩm tôm Bắc Hải đến tăng trưởng và sinh lý của TTCT Nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu biển Alfred Wegener ở Đức, nhằm đánh giá mức độ phù hợp của phụ phẩm tôm Bắc Hải khi sử dụng như thành phần thức ăn cho TTCT. Xây dựng hai công thức thức ăn thử nghiệm cho TTCT non để đánh giá hiệu suất tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn, hoạt tính của enzyme tiêu hóa cùng các thông số khác.

Phụ phẩm tôm biển Bắc Hải là thành phần thức ăn tuyệt vời cho TTCT. Ảnh: ST

Chế độ đối chứng chứa bột cá, và hai chế độ thử nghiệm đã thay thế 50% và 100% bột cá bằng phụ phế phẩm tôm biển. Thử nghiệm kéo dài 39 ngày để đánh giá tác động của phụ phẩm tôm biển đối với tỷ lệ sống, tăng trưởng, tần suất lột xác, thành phần hóa học của mô, hoạt tính của enzyme tiêu hóa và lượng hemocyanin ở TTCT. Tất cả các khẩu phần tương tự nhau về mức protein tiêu hóa và năng lượng, giả sử tỷ lệ tiêu hóa protein và năng lượng của phụ phẩm tôm biển là 86,2% và 81,5%. Để duy trì kích thước đồng nhất của hỗn hợp thức ăn, tất cả thành phần được xử lý thành dạng bột đồng nhất (< 500 micromet).

Thành phần thức ăn bền vững

TTCT dung nạp tất cả các chế độ ăn thử nghiệm dạng viên và không có dấu hiệu chán ăn. Thời gian cần thiết để tôm bắt đầu ăn viên thức ăn dao động 18 – 25 giây. Thức ăn chứa 50% bột cá và 50% phụ phẩm tôm biển được tiếp cận nhanh nhất (18 ± 4 giây), tiếp theo là thức ăn đối chứng (20 ± 4 giây) và sau cùng là thức ăn 100% phụ phẩm tôm biển (25 ± 5 giây).

Nhóm tôm ăn khẩu phần đối chứng đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất với mức tăng trọng trung bình 66 ± 7%. Tăng trọng trung bình của nhóm tôm ăn khẩu phần 100% phụ phẩm tôm biển cao hơn không đáng kể (68 ± 24%). Tốc độ tăng trưởng cao nhất ghi nhận ở nhóm tôm ăn bổ sung 50% phụ phẩm tôm biển (94 ± 9%), do đó hiệu suất nuôi vượt nhóm đối chứng gần 30%.

Trong nghiên cứu này, các thử nghiệm lặp lại cho thấy tỷ lệ sống cao và tăng trưởng tốt của TTCT khi thay thế bột cá bằng phụ phẩm tôm biển. Thành phần mô cơ tôm không thay đổi về hàm lượng độ ẩm, protein và lipid. Các kết quả trên cho thấy phụ phẩm tôm biển Bắc Hải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và ngon miệng đối với TTCT; đồng thời thành phần mô cơ của TTCT cũng không thay đổi sau khi tăng trưởng được kích thích.

Độ ngon miệng và thành phần dinh dưỡng đóng vai trò trung tâm trong công thức thức ăn và ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến tiêu thụ thức ăn và sau cùng là hiệu suất tăng trưởng. Nhóm nghiên cứu quan sát thấy tôm tiếp cận và bắt đầu ăn thức ăn chứa phụ phẩm tôm biển tốt như chế độ ăn đối chứng chứa bột cá. Do đó, bổ sung phụ phẩm tôm biển vào thức ăn không ảnh hưởng đến khả năng dung nạp thức ăn của tôm trong điều kiện nuôi trong bể.

Trước đây, nhiều nghiên cứu đã khẳng định tác dụng kích thích tăng trưởng của bột giáp xác trong thức ăn của tôm he. So với các bột giáp xác khác như nhuyễn thể krill, phụ phẩm tôm biển Bắc Hải kém hiệu quả hơn về kích thích tăng trưởng. Nguyên nhân có thể do quy trình xử lý phụ phẩm tôm Bắc Hải khác biệt so với krill nên đã làm suy giảm một số chất dinh dưỡng có lợi.

Lượng axit amin thiết yếu (EAA) trong các khẩu phần thử nghiệm đều không có sự khác biệt đáng kể và tất cả hàm lượng EAA đều vượt mức yêu cầu. Chỉ có thành phần leucine trong khẩu phần phụ phẩm tôm biển cao hơn hẳn so với khẩu phần bột cá (29,4 g và 24,8 g/kg). Nhu cầu leucine trong thức ăn của tôm he là 13 – 15 g/kg.

TTCT ăn khẩu phần chứa phụ phẩm tôm biển lột xác đồng đều hơn và tần suất lột xác cao hơn đáng kể. Phụ phẩm tôm biển chứa phần lớn thành phần vỏ tôm. Chitin hoặc các hợp chất khác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổng hợp vỏ mới ở TTCT, từ đó hỗ trợ quá trình lột xác. Nhóm nghiên cứu không quan sát thấy bất kỳ ảnh hưởng nào của chế độ ăn tới nồng độ haemocyanin (protein vận chuyển ôxy khắp cơ thể của một số động vật không xương sống).

Sử dụng hiệu quả chất dinh dưỡng phụ thuộc vào hoạt động cân bằng của các enzyme tiêu hóa nội và ngoại sinh. TTCT sở hữu nhiều enzyme tiêu hóa và isoenzyme khác nhau, giúp tiêu hóa một loạt thành phần dinh dưỡng, bù đắp tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng và ức chế enzyme. Theo nhóm nghiên cứu, bổ sung phụ phẩm tôm biển vào chế độ ăn không ảnh hưởng nhiều hoặc kích thích hoạt tính enzyme tiêu hóa chính trong tuyến ruột giữa của TTCT. Theo đó, tăng trưởng của TTCT được cải thiện khi tăng bổ sung phụ phẩm tôm biển không liên quan đến hoạt tính của enzyme tiêu hóa.

Triển vọng

Phụ phẩm tôm biển Bắc Hải là thành phần thức ăn tuyệt vời cho TTCT trong các hệ thống tuần hoàn. Đối với TTCT, phụ phẩm tôm biển có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với bột cá trong nghiên cứu này (làm từ phụ phế phẩm chế biến của nhiều loài thủy sản). Mức thay thế bột cá tối ưu bằng phụ phẩm tôm biển là 85% hoặc tương đương 306 g/kg thức ăn.

>> Lợi ích của phụ phẩm tôm biển làm thức ăn cho TTCT được ghi nhận gồm: cải thiện tăng trưởng, tăng khả năng sử dụng thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống. Nguyên nhân cải thiện tăng trưởng vẫn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, các chất dinh dưỡng thiết yếu và cân bằng, kết hợp các chất liên quan đến vỏ tôm biển cùng các peptide giống insulin có thể đã thúc đẩy tăng trưởng ở TTCT.

Tuấn Minh

Theo Aquafeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!