Ba chủ hộ nuôi tôm cao triều, gồm ông Võ Ngọc Thìn, Nguyễn Đình Ngô, Dương Bình Thanh có đồng tôm tại xã Hòa Hiệp Bắc (HHB), huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, đang khó khăn trong việc bị ngành điện lực của huyện cắt điện hơn một tháng nay, cho dù hợp đồng vẫn còn thời hạn đến năn 2020 mới hết.
Bị cắt điện lưới nên nhiều hộ cầm chừng duy trì đồng tôm.
Theo dự án của Sở
Việc cắt điện này không được thông báo, cũng không có giải thích khi nào được đóng điện trở lại để các hộ dân trên có điện chạy quạt nước điều hòa ô-xy đồng tôm. Lý do bị cắt điện, ông Dương Bình Thanh cho biết: “Chúng tôi không được biết. Mỗi tháng, hộ của tôi đóng hơn 100 triệu đồng tiền điện. Cứ có thông báo hóa đơn điện, chúng tôi đóng ngay. Không chậm”. Hai hộ còn lại cũng đều có chung một xác nhận như vậy.
Hiện tại, ba hộ nuôi tôm trên phải dùng máy nổ phát điện cung cấp điện cho đồng tôm của mình. Việc dùng máy nổ chạy dầu phát sinh chi phí nuôi trồng, chưa tính đến chuyện khói từ máy chạy dầu cũng tác động mặt nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng của con tôm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ba hộ trên là những người nuôi tôm tại dự án nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã HHB, thuộc dự án của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Phú Yên. Tháng 5-2018, họ nhận được Thông báo số 191/TB-UBND ký ngày 7-5-2018 của UBND huyện Đông Hòa về việc thu hồi đất nuôi tôm cao triều tại xã HHB với lý do là người dân lấn chiếm trái phép đất để nuôi tôm.
Giải thích về việc “lấn chiếm” trong các văn bản thông báo trên. Ông Dương Bình Thanh đại điện các hộ nuôi tôm có đơn kiến nghị, cho biết: “Thực tế chúng tôi nuôi tôm cách đây đã lâu, nuôi tôm thí điểm theo dự án của Sở KH&CN từ năm 2001. Từ đó đến nay chúng tôi tiếp tục nuôi tôm, ký hợp đồng thuê đất, sử dụng đúng diện tích đất nuôi tôm”.
Kể về những ngày đầu ký hợp đồng nuôi tôm trên cát, ba hộ cho hay, hồi đó cầu Hùng Vương chưa bắc qua sông Đà Rằng, đường chưa mở rộng. Nơi đây hẻo lánh, hoang vu, đường đi lối lại rất khó khăn, chưa có điện lưới và nhiều hộ phải bỏ tiền tỷ để kéo đường điện, sau này ngành điện lực kéo đường dây điện, bán điện trực tiếp cho những hộ nuôi tôm.
Qua thời gian với những khó khăn ban đầu, các hộ nuôi tôm cũng có “trái ngọt” là những lứa tôm thu hoạch mang lại nguồn thu, đóng thuế nhà nước, đóng góp cho những hoạt động phúc lợi của xã HHB, đã hơn mười năm. Cùng thời gian này, những hộ nuôi tôm thí điểm của sở KH&CN thu được kết quả tốt nên nhiều chủ hộ được mời tham gia trong chương trình nhà nông điển hình, tiên tiến và là mô hình nhân rộng ra cả nước. Từ khi cầu Hùng Vương bắc xong, đường Hùng Vương nối dài về phía nam được hoàn thiện, những hộ nuôi tôm gặp nhiều trở ngại.
Cần giải quyết khó khăn cho dân
Tính từ tháng 5-2018 đến nay, UBND huyện Đông Hòa cũng như UBND xã Hòa Hiệp Bắc phát đi những thông báo: Các hộ nuôi tôm trên là những hộ lấn chiếm đất trái phép. Để giải thích rõ hơn việc thu hồi đất, ngày 11-5, UBND huyện tổ chức đối thoại với các cá nhân nuôi trồng thủy sản tại thôn Phước Lâm, Uất Lâm, xã HHB. Trong buổi đối thoại này, danh sách mời chỉ có bà: Nguyễn Thị Thu Thúy, ông Bùi Xuân Vinh, ông Đào Tấn Duệ, ông Võ Ngọc Kha. Theo ghi nhận, đây là những hộ đã không còn nuôi tôm, họ không nằm trong diện thí điểm nuôi tôm cao triều của sở KH&CN. Ông Võ Ngọc Hoài (đại diện cho ông Võ Ngọc Thìn), có diện tích nuôi tôm tại thôn Uất Lâm, cho biết: “Chúng tôi không nhận được giấy mời đối thoại”.
Với việc, một số phương tiện truyền thông phản ánh về những cưỡng chế, gây khó dễ năm hộ (bây giờ, hai hộ nuôi tôm đã chán và bỏ nuôi tôm) nói trên. Ngày 5-9, UBND huyện Đông Hòa ra Công văn 5064/UBND-TNMT, nguyên văn thông báo “thông tin liên quan đến việc xử lý lấn chiếm, chiếm đất trái phép tại thôn Uất Lâm, Hòa Hiệp Bắc”. Toàn bộ công văn trên đều khẳng định rằng các hộ nuôi tôm và các phương tiện thông tin đều phản ánh… sai. Với các cơ quan truyền thông, khi cần ý kiến trả lời về toàn bộ sự việc, các phóng viên báo đài tiếp cận các lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện đều không nhận được sự hợp tác.
Việc kéo căng căng thẳng giữa các hộ nuôi tôm cũng như chính quyền xã, huyện và bên nào cũng cho rằng mình đúng. Văn bản đúng, quyết định đúng, đơn thư kêu! Nếu cứ “giằng co” mãi sẽ đi đến đâu? Kiến nghị của những hộ nuôi tôm: Trước mắt cần mở lại nguồn điện, cung cấp điện cho đồng tôm. Với việc cắt điện này, nhiều hộ đã thả tôm giống xuống đồng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị cung cấp thức ăn đều thu tiền mặt mới bán thức ăn, công nhân nuôi tôm bỏ việc, chi phí dầu chạy máy tăng cao nên khoản tiền thưởng công nhân bị cắt giảm. Theo đó, những hộ nuôi tôm này cần một cuộc đối thoại rõ ràng chứ không phải là cuộc đối thoại lần trước (đối thoại ngày 11-5), mời không đúng người, giấy mời theo dấu bưu điện chậm hơn ngày đối thoại.