Trước tình trạng khai thác thủy sản bằng các loại ngư cụ hủy diệt diễn ra tràn lan, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương liên quan triển khai việc ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các quy định về cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, dòng điện và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; Chi cục Thủy sản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Mùa mưa lũ cũng là thời điểm mà hoạt động đánh bắt thủy sản bằng xung điện ở những ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh diễn ra phổ biến nhất. Việc đánh bắt bằng xung điện không những tận diệt các loài thủy sản đến tận gốc, hủy hoại môi trường sống mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chết người rất cao.
Không chỉ ban đêm, ngay cả ban ngày, trên các cánh đồng ở TX Đông Hòa và các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An…, có rất nhiều người đánh bắt cá, tôm… bằng xung điện. Trên cánh đồng Phước Lộc, đoạn giáp ranh giữa xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) với phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chúng tôi chứng kiến cảnh một người đàn ông tay cầm hai cây sào, mỗi cây dài chừng 1,5m, đấu nối dây điện với bình ắc quy đeo sau lưng, liên tục chích xuống đáy mương dẫn nước. Cứ mỗi lần chích hai cây sào có điện xuống mương thì ngay lập tức trong phạm vi gần 2m2, nhiều cá, tôm, lươn… chết lịm.
Hai đối tượng dùng xuồng và xung điện đánh bắt thủy sản trên cánh đồng giáp ranh giữa TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa.
Bắt chuyện, người đàn ông này cho biết ông tên D, ở xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa, hành nghề bắt thủy sản bằng xung điện đã hơn 10 năm nay. Dù đã nhiều lần bị lực lượng chức năng truy bắt, tịch thu dụng cụ hành nghề và phạt tiền, nhưng ông D vẫn không bỏ công việc này, dù biết vi phạm pháp luật và hiểm nguy đến tính mạng. Theo ông D, dùng xung điện đánh bắt thủy sản vừa nhanh lại đạt hiệu quả cao, chỉ cần có từ 1-2 triệu đồng là mua được ngay bộ dụng cụ để hành nghề. “Mấy năm trước, chỉ cần đi một vòng quanh cánh đồng giữa các phường Hòa Vinh, Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Trung của TX Đông Hòa là có thể thu về hàng chục ký cá, tôm, lươn. Nhưng nay, nhiều người đánh bắt bằng xung điện, nên có khi cả ngày mà chỉ được vài ký, chủ yếu toàn cá vụn…”, ông D cho hay.
Còn ông L.V.T ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa có thâm niên làm nghề khai thác thủy sản nước ngọt bằng xung điện đã 20 năm cho biết, bây giờ nguồn lợi thủy sản trên các cánh đồng, sông, hồ ở Phú Yên đã cạn kiệt, do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan làm ô nhiễm môi trường sống và sử dụng xung điện, lờ bóng Thái Lan. Để có nguồn thu nhập cho gia đình, hơn 1 năm nay ông T và nhiều bạn nghề khác phải tìm đến các cánh đồng và sông, suối ở huyện Vạn Ninh, TX Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa để khai thác thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, số lượng thủy sản thu được sau mỗi ngày cũng chẳng được nhiều, trong khi phải lẩn trốn trước sự truy bắt gắt gao của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh đã có văn bản nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Thế nhưng, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng đánh bắt bằng xung điện vẫn chưa thực sự quyết liệt.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh thừa nhận tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản đang diễn ra tại nhiều nơi trong tỉnh, khó ngăn chặn triệt để. Nguyên do là lực lượng thanh tra của sở mỏng, lại quản lý địa bàn rộng, phương tiện, trang bị hỗ trợ chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, sự phối hợp vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương chưa thật sự chặt chẽ, không thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều hạn chế; nhận thức của nhiều người dân về bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các lực lượng BĐBP, công an, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển; quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá khi xuất bến, nhập bến. Truy quét, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp sử dụng nghề lưới kéo khai thác ở vùng biển ven bờ, sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các lực lượng tăng cường phối hợp với lực lượng thanh tra thủy sản và chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, truy quét định kỳ hoặc mở các đợt cao điểm kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, xung điện, dòng điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính tận diệt để khai thác thủy sản, nghề lưới kéo khai thác ở vùng biển ven bờ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
>> UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, lực lượng chức năng, đoàn thể ở địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đấu tranh, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Tổ chức cho cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |