T2, 06/07/2020 10:06

Phú Yên: “Trợ lực” để ngư dân bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác cá ngừ đại dương là một thế mạnh của Phú Yên, không chỉ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mà còn chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm sức ép cho nghề khai thác ven bờ. Thời gian qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách nhằm “trợ lực” để ngư dân bám biển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngư dân vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Tiếp tục trợ lực ngư dân

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, như hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá; bảo tồn nguồn lợi thủy sản; xây dựng thông tin quản lý nghề cá trên biển… Đến nay, cả nước có hơn 126.000 tàu cá, trong đó tàu cá đánh bắt xa bờ hơn 25.000 chiếc. Ngư dân từ chỗ chưa biết khai thác, đánh bắt xa bờ, nay đã làm chủ nhiều ngư trường xa. Bộ NN-PTNT đang triển khai chương trình nông thôn mới xây dựng làng nghề truyền thống thủy sản, phối hợp với một số tỉnh thí điểm đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới, triển khai khai thác thu mua chế biến cá ngừ đại dương tại một số tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi…

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có trên 7.300 tàu cá, trong đó có khoảng 950 tàu có công suất từ 90CV trở lên, khai thác vùng biển xa bờ. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ nên ngư dân có điều kiện bám biển. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh từ đầu năm đến nay đạt hơn 6.000 tấn, cao hơn năm 2011 khoảng 440 tấn. Nhiều tổ tàu thuyền an toàn được thành lập và phát huy hiệu quả trong khai thác, cũng như tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững an ninh vùng biển. Để ngư dân yên tâm tiếp tục bám biển sản xuất, tỉnh đang triển khai các chương trình, dự án của Chính phủ, như hỗtrợdầu, bảo hiểm, máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp vệ tinh cho ngư dân; triển khai lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 120 tàu cá xa bờ thuộc dự án MOVIMAR do Chính phủ Pháp tài trợ. 

Cangu120925.jpg 

Vận chuyển cá ngừ đại dương vào bờ sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển – Ảnh: A.Ngọc

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, từ năm 2011, Phú Yên đã thực hiện 6 đợt hỗ trợ cho ngư dân với kinh phí gần 22 tỉ đồng. Riêng nguồn vốn hỗ trợ ngư dân trong năm 2012, đến nay đã tổ chức giải ngân 2 đợt cho 260 hồ sơ và đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thẩm định hồ sơ và sớm giải ngân vốn đối với những trường hợp còn lại. “Ngoài hỗ trợ vốn cho ngư dân, Phú Yên cũng đang phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) thực hiện đề án thí điểm đóng mới 30 tàu cá hiện đại khai thác cá ngừ đại dương gồm 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa”, ông Phương cho biết thêm.

Còn những khó khăn, vướng mắc

Phú Yên là một trong những tỉnh đi đầu trong nghề khai thác cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, những năm gần đây ngư dân khai thác loại hải sản này gặp nhiều khó khăn, trong đó thiên tai và tương tác ngư trường với các nghề cá khác trên biển là khó khăn lớn đối với ngư dân hành nghề đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, chi phí nhiên liệu tăng cao, kéo theo đó là các loại vật tư đầu vào tăng, trong khi sản lượng đánh bắt và giá sản phẩm tăng không đáng kể đã khiến lợi nhuận của mỗi chuyến biển giảm, thậm chí bị lỗ; tỉ lệ thất thoát sản phẩm từ khâu khai thác đến khâu tiêu thụ khoảng 30% cũng gây thiệt hại lớn cho ngư dân, nhưng việc liên kết theo chuỗi giá trị từ khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu sự chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm giữa các bên liên quan; các khu neo đậu tránh trú gió bão chưa được đầu tư, các bến, cảng, chợ cá chưa đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng là khó khăn lớn đối với ngư dân. 

Ông Ngô Ngọc Nhân, chủ tàu cá PY92492TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Chi phí cho chuyến biển ngày càng tăng cao, trong khi sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, giá cá thấp, khiến ngư dân thêm khó khăn. Ở trên biển, chúng tôi phải đối mặt với sóng to gió lớn, trong khi đó tàu về gần đến nhà thì không thể cập cảng cá phường 6, vì cửa biển Đà Rằng bị bồi lấp nên phải chạy vào Vũng Rô hoặc ra TX Sông Cầu để bốc dỡ cá, dẫn đến chi phí của chuyến biển tăng cao”.

Ngư dân không chỉ đối mặt với những thử thách về thời tiết, ngư dân còn bị lực lượng chức năng các nước trong khu vực bắt giữ, không những gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến tính mạng. Ông Đỗ Văn Phụng, chủ tàu cá PY90260TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng. Nhờ sụ hỗ trợ này mà 10 tàu cá trong tổ tàu thuyền an toàn của chúng tôi an tâm bám biển, phát huy hiệu quả trong khai thác cũng như tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ gìn an ninh vùng biển. Tuy nhiên, nhiều chuyến biển, chúng tôi hoàn tất đầy đủ thủ tục giấy tờ theo quy định (được các đảo xác nhận và đóng dấu) nhưng không được hỗ trợ. Nguyên nhân là do không có tên trong sổ lưu của hải quân vùng (?). Nhiều tàu cá bị tàu nước ngoài bắt giữ trên vùng lãnh hải của Việt Nam, sau đó kéo về nước của họ, đến nay chưa được hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

>> Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết: Hiện dư nợ cho vay vốn nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh tại chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Phú Yên hơn 2.000 tỉ đồng. Các chủ tàu được dùng tàu cá của mình để làm tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ cho ngư dân vay tối đa 70% giá trị con tàu. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ lãi suất vay vẫn ở mức cao, khoảng 13%/năm, thời gian vay từ 1-5 năm.

Anh Ngọc

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!