Quản lý chế phẩm sinh học, thuốc thủy sản: Đừng để đụng đâu sai đó

Chưa có đánh giá về bài viết

“Có nhiều loại chế phẩm sinh học, khi kiểm tra thấy không trong danh mục sản phẩm được phép lưu hành, rất nhiều loại sản phẩm lưu hành chui, cộng với việc quá nhiều doanh nghiệp tham gia trên thị trường đã gây khó khăn cho công tác quản lý” – Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định, Nuôi trồng thủy sản Tổng cục Thủy sản cho biết.

Thủ đoạn tinh vi

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản, lĩnh vực chế phẩm sinh học (CPSH), thuốc thủy sản và thức ăn chăn nuôi ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Cùng với sự gia tăng diện tích nuôi trồng, số lượng DN sản xuất CPSH cũng nhiều hơn. Nhiều DN lợi dụng điều này để kinh doanh trà trộn sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Võ Hồng Ngoãn, một hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu bức xúc: Tại Bạc Liêu, thuốc thú y thủy sản giả tràn lan, rất khó phát hiện. Trong khi đó, bệnh hoại tử gan tụy đang hoành hành trên tôm nhưng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, khi gặp hàng rởm hàng giả thì sản phẩm xử lý cũng như không xử lý; đây là mấu chốt dẫn đến thiệt hại cho người nuôi. Nhiều công ty sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục sản xuất và tiêu thụ hàng giả hàng rởm. Thời điểm cuối năm, CPSH càng được dịp tiêu thụ mạnh.

Ông Bùi Đức Quý cũng thừa nhận: Vấn đề này diễn ra lâu rồi, bởi người nuôi cứ thấy có người tới tiếp thị sản phẩm tận ao nuôi, cộng với nghe quảng cáo lọt tai là mua theo, không biết sản phẩm ấy có trong danh mục hay không. Trong khi đó, các đại lý tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm tới tận ao tiếp thị cho người nuôi, có lúc mẫu mã đưa ra là một sản phẩm nhưng sử dụng lại là sản phẩm khác.

 

Cần lựa chọn sản phẩm CPSH chất lượng để nuôi tôm đạt hiệu quả cao – Ảnh: Phan Thanh Cường

Khó quản lý

Nhiều DN chọn vùng sâu vùng xa để hoạt động, tránh tầm kiểm soát của cơ quan chức năng; nhiều khi bị phát hiện vẫn “lẩn” dễ dàng. Bên cạnh đó, một số DN sản xuất những sản phẩm chui lủi trên thị trường, khi lần theo địa chỉ “ma”, thì không tìm được. Sản phẩm rởm giá thường thấp hơn giá chung trên thị trường, người mua ham rẻ dễ mắc bẫy.

Theo ông Quý, khó khăn lớn nhất hiện nay của các cơ quan quản lý địa phương là ở các đầu mối kiểm tra không nhiều; phương tiện kiểm tra còn thiếu. Trong khi đó, số DN rất đông, nhiều DN bán sản phẩm trôi nổi, không qua đăng ký, khiến thị trường bị lũng đoạn, có những vụ mang nhãn mác này nhưng thả xuống cho tôm lại là sản phẩm khác. Tuy mức phạt của Nhà nước với DN vi phạm không nhỏ nhưng DN chấp nhận chịu phạt để tiếp tục vi phạm.

         

Sử dụng sản phẩm theo danh mục

Trước thực tế nhiều DN gian lận hoạt động tinh vi như hiện nay, người sử dụng sản phẩm CPSH nên cẩn trọng; trước khi dùng đại trà nên cho sản phẩm vào mẫu thử và kiểm tra bằng mắt thường, theo thói quen. Trước mắt, nên mua sản phẩm ở cơ sở có uy tín, thân quen; khi mua cần tìm hiểu sản phẩm ấy có được phép lưu hành hay không?

Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông Quý khuyên nên lựa chọn sản phẩm được cấp phép, vì Trung tâm quản lý rất chặt danh mục sản phẩm này. Với DN, phải công bố tiêu chuẩn trên nhãn mác hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Người nuôi, khi mua, cần đối chiếu sản phẩm đó với danh mục đã có để chọn lựa.

Giải pháp trước mắt, theo ông Quý, các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt; Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra và có đề xuất kịp thời với Bộ NN&PTNT. Hiện, Trung tâm có quy định mới trong việc bổ sung sản phẩm vào danh mục, cứ 5 năm lại sửa đổi danh mục; nếu sau 5 năm mà DN hết thời hạn đăng ký sẽ phải đăng ký lại. Điều đó sẽ giúp DN liên tục cập nhật và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hiện, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CPSH và đang trình Bộ NN&PTNT thông tư quản lý CPSH; trong đó quy định sản phẩm đạt tiêu chuẩn mới được phép lưu hành, phải phân cấp đầy đủ theo từng quy trình hoạt động của địa phương và là cơ sở cho các địa phương làm theo.

>> Trong tháng 12/2012 Tổng cục Thủy sản đã dành 300 triệu đồng  để lấy mẫu và kiểm tra chất lượng sản phẩm CPSH. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau sẽ phối hợp lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sau khi có kết quả, đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn sẽ bị xử phạt và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!