Quản lý nghề cá bền vững: Cộng đồng chung sức

Chưa có đánh giá về bài viết

Với bờ biển dài trên 3.260 km, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 cùng nhiều hệ thống sông, hồ, đầm phá, cửa sông ven biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, các thủy vực nước ngọt… Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển ngành thủy sản. Đây được coi là một trong những nghề truyền thống, mang lại sinh kế cho hàng triệu người.

Quản lý dựa vào cộng đồng

Có thể nhận thấy đặc điểm lớn nhất của ngành thủy sản, không chỉ riêng của Việt Nam, là sự gắn kết chặt chẽ với điều kiện, môi trường tự nhiên, chịu sự tác động, ràng buộc và bị khống chế giới hạn bởi ngưỡng bền vững của điều kiện tự nhiên. Cụ thể khai thác thủy hải sản là hoạt động khai thác tài nguyên tái tạo, là tài sản chung của cộng đồng, của đất nước, đặc biệt đối với các loài cá di cư trên biển, thì nguồn lợi này còn là tài sản chung của các quốc gia có cùng đại dương. Trong nuôi trồng thủy sản, hoạt động sản xuất luôn tác động, ảnh hưởng tới môi trường vực nước, nguồn nước chung, là tài sản chung của cộng đồng trong từng khu vực và của cả quốc gia.

Quản lý cảng cá, bến cá cần có sự tham gia của cá cộng đồng

Như vậy, để quản lý tài nguyên, môi trường, nguồn lợi, bảo đảm phát triển bền vững, một mặt cần tăng cường năng lực quản lý của nhà nước, mặt khác phải dựa vào cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm quản lý, trên cơ sở chia sẻ lợi ích cùng cộng đồng là biện pháp hữu hiệu (Ngô AnhTuấn, 2013). Cộng đồng phải vừa là người sử dụng tài nguyên, vừa là người quản lý những tài nguyên mà họ sử dụng.

Nhìn lại lịch sử, từ thế kỷ XVI, triều đình phong kiến Việt Nam đã giao cho các vạn chài quản lý những thủy vực, dựa trên các đơn vị nghề và xác nhận quyền sử dụng làm cơ sở thu thuế tài nguyên. Thực hiện sắc lệnh của nhà vua, tại các cộng đồng, các vạn chài đã cùng nhau lập nên các hương ước, quy ước để quản lý sản xuất, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nguồn sống của cộng đồng.

Có thể thấy sự hình thành cộng đồng nghề cá – một mô hình tổ chức xã hội, xuất phát từ tự nhiên (có tính chất tự nhiên), trên cơ sở kinh tế (các ngành nghề sản xuất) là đặc điểm đặc thù, là luận cứ quan trọng về sự cần thiết quản lý sản xuất (khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản), quản lý tài nguyên mặt nước, quản lý nguồn lợi thủy sản cần và phải dựa vào cộng đồng. Phương thức đồng quản lý đã ra đời, tồn tại trong xã hội nghề cá nước ta cách đây khoảng trên 500 năm. “Đồng quản lý, quản lý dựa vào cộng đồng hay quản lý trên cơ sở cộng đồng thực chất không có gì xa lạ với ông cha chúng ta” (Sổ tay thực hành đồng quản lý nghề cá, 2011).

Sau một thời gian dài biến thiên của lịch sử đất nước, phương thức quản lý nghề cá có sự tham gia của cộng đồng bị lãng quên. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trước sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, lãnh đạo Bộ Thủy sản (trước đây, nay là Bộ NN&PTNT) đã rất quan tâm đến phương thức quản lý này. Từ 1990 đến 2000 là giai đoạn khởi đầu mang tính đột phá trong việc nghiên cứu áp dụng phương thức đồng quản lý trong ngành thủy sản. Những mô hình quản lý dựa vào cộng đồng mang tính chuyên nghiệp như mô hình khu bảo tồn biển Rạn Trào (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Phù Long (Cát Bà, Hải Phòng)… bước đầu triển khai.

Có thể nói, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều mô quản lý nghề cá có sự tham gia của cộng đồng đã hình thành và phát triển, cho thấy hướng đi đúng trong việc huy động sức mạnh của cộng đồng vào quản lý ngành thủy sản. Tại nhiều địa phương, sự tham gia của người dân đã làm giảm những hành vi khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt, nguồn lợi thủy sản dần được phục hồi, hiệu quả kinh tế trong sản xuất thủy sản được tăng trưởng một cách tương đối bền vững. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý thủy sản đã từng bước được thể chế hóa và đi vào cuộc sống. Có thể kể ra một vài ví dụ điển hình như mô hình quản lý nghề cá ở hồ Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, 1 Chi hội Nghề cá Buôn Triết được thành lập để quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ. Trước đó, hồ này được giao cho cá nhân quản lý nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chi hội ký hợp đồng với Công ty Thủy nông là cơ quan quản lý hồ. Hợp đồng này có thể được xem như “quyền sử dụng” nguồn lợi thủy sản trên hồ, được pháp luật bảo hộ…

 

Vượt thách thức

Bên cạnh các thành tựu đạt được, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý thủy sản còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Các nguyên nhân chính có thể kể như:

Nhận thức của cộng đồng: Cơ chế quản lý tập trung được vận hành trong một thời gian dài khiến ngư dân “đánh mất” thói quen làm chủ đối với nguồn lợi thủy sản. Suy nghĩ mọi thứ là của chung, do Nhà nước quản lý đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân. Các cộng đồng ngư dân chưa nhận được được đầy đủ vai trò của mình phải “làm chủ”, phải là “nhà quản lý” nên vẫn thiếu chủ động và trông chờ vào chính quyền địa phương, cán bộ dự án, khiến cho yếu tố nội lực, yếu tố tự sinh trong cộng đồng không được phát huy. Thêm vào đó, nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” làm cho ngư dân nhiều khi chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, nghĩ đến lợi ích bản thân và quên đi lợi ích chung của cộng đồng.

Không chỉ người dân, nhiều cán bộ địa phương cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của cộng đồng khi tham gia quản lý ngành thủy sản. Ở nhiều nơi, cán bộ địa phương vẫn coi như đây chỉ là mô hình thử nghiệm, vận hành song song với cơ chế quản lý hiện tại mà chưa nhận thức đúng sự cần thiết và tính tất yếu của quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng.

Thiếu cơ chế tài chính bền vững: Để triển khai các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng cần có một cơ chế tài chính bền vững nhằm đảm bảo nguồn lực cho quá trình vận hành. Với nguồn lực còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước không thể “bao cấp” cho tất cả các mô hình quản lý có sự tham gia. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của các mô hình có vốn đầu tư từ bên ngoài cộng đồng.

Thiếu chính sách hỗ trợ: Trong thời gian qua, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách… được ban hành, tuy nhiên các chính sách có liên quan đến quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng là rất ít. Một số chính sách có liên quan còn chung chung dẫn đến mỗi địa phương có cách hiểu và vận dụng khác nhau. Ví dụ: Nghị định 53/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của các tổ chức cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, trong Điều 12: “Trách nhiệm của UBND các tỉnh ven biển”, khoản 2 quy định: “… Phân cấp và hướng dẫn quản lý vùng ven bờ cho UBND cấp huyện, cấp xã; phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ…”. Điều khoản này, đã đề cập đến việc phân công, phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền. Nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, chưa quy định công việc rõ ràng cho các cấp.

Có thể thấy, triển khai phương thức “quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng” tại nước ta là một quyết định đúng đắn của ngành thủy sản, phù hợp với quan điểm lấy dân làm gốc của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, nghề cá Việt Nam đang có bước chuyển mình từ “nghề cá nhân dân” quy mô nhỏ sang “nghề cá hiện đại”; tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, tính tất yếu của phương thức quản lý nghề cá có sự tham gia của cộng đồng là xu thế không thay đổi.

>> Theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước có 125 cảng cá gồm: 35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II, đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.250.000 tấn/năm và 146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 116 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 98.310 tàu cá. Điều này góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho ngư dân, phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng, cũng như thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020.

Đào Việt Long, Hoàng Dương, Trung tâm Phát triển Cộng đồng nghề cá, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!