Quản lý nghiêm ngặt hơn nữa kháng sinh trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá tôm nguyên liệu tăng cao, nhiều địa phương bỏ qua những khuyến cáo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn để thả nuôi. Đặc biệt, tình trạng sử dụng chất kháng sinh tràn lan khiến ngành nuôi tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Vẫn nuôi tôm có kháng sinh

Sử dụng chế phẩm sinh học mặc dù được khuyến cáo là an toàn, thân thiện với môi trường, đem lại năng suất cao, nhưng trong thời điểm hiện nay, khi ngành tôm vẫn chưa tìm ra biện pháp khắc chế dịch bệnh (Hội chứng tôm chết sớm EMS, bệnh đốm trắng) thì người nuôi vẫn “mạnh ai nấy làm”. Việc này đã gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu và lâu dài sẽ rất khó trong điều trị.

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, tại Bạc Liêu cho biết: Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh trong tôm vẫn tràn lan, khiến ngành tôm Việt Nam không biết sẽ đi đâu, về đâu? Và khi các thị trường nhập khẩu kiểm tra ngặt nghèo thì không biết sản phẩm tôm của Việt Nam sẽ ra sao? Điều bất hợp lý theo ông Võ Hồng Ngoãn, tại các địa phương, người dân sử dụng tràn lan kháng sinh để nuôi tôm, đặc biệt kháng sinh không chỉ sử dụng trong cải tạo ao nuôi mà còn được trộn lẫn với thức ăn.

Giám đốc Doanh nghiệp Tôm giống Huy Lâm, ông Nguyễn Huy Lâm cũng khẳng định: Hiện nay, tình trạng nuôi tôm có sử dụng kháng sinh vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL, do lợi nhuận trước mắt, do tôm được giá nên người dân bằng mọi cách để thả nuôi mong sớm thu hoạch để bù lại vụ nuôi thất bại năm 2012.

 

Người nuôi tôm nên hướng đến các sản phẩm chế phẩm sinh học

Cần chế tài mạnh hơn

Theo ông Nguyễn Văn Buội, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre, việc sử dụng chất kháng sinh trong nuôi tôm nếu có sẽ làm mất thương hiệu tôm và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tình hình nuôi tôm, làm hủy hoại môi trường và khó hồi phục được. Để hạn chế tình trạng trên, ngành nông nghiệp các địa phương, cụ thể là Chi cục Thủy sản nên đưa ra những khuyến cáo về mùa vụ nuôi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi an toàn. Trong những buổi tập huấn về dịch bệnh, ngành nên lồng ghép nội dung tuyên truyền cho người nuôi không nên sử dụng kháng sinh tràn lan. Bên cạnh đó, cần tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở nuôi để đưa ra những kết luận đúng đắn. Về lâu dài, nếu tình trạng trên vẫn xảy ra, phải có sự can thiệp của Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các địa phương trực tiếp đưa ra những kiểm soát, cảnh báo sự nguy hiểm để người nuôi hạn chế tình trạng trên.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, ông Quách Nhật Bình cũng khẳng định: Qua kiểm tra tại các đại lý và một số cơ sở nuôi không phát hiện tình trạng người nuôi sử dụng kháng sinh, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra. Tuy nhiên, không biết người nuôi sử dụng kháng sinh gì. Nhiều cơ sở đã giấu giếm chất này nên kiểm tra cũng khó phát hiện. Thực tế, nhiều người nuôi sử dụng kháng sinh do có một số chất nằm trong danh mục cấm nhưng chưa có chất khác thay thế. Hơn nữa, khi tôm mắc phải một số bệnh nguy hiểm, chưa có biện pháp chữa trị, để cứu được ao tôm, nhiều người đã “liều” dùng theo kinh nghiệm bản thân.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Bình, cần triển khai áp dụng mô hình kiểm dịch thú y trong vùng dịch, hướng người nuôi nuôi tôm theo các sản phẩm chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất… Hoặc nếu dùng kháng sinh thì nên sử dụng sản phẩm có trong danh mục được phép lưu hành.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, quan trọng là hướng dẫn người nuôi làm đúng quy trình sử dụng kháng sinh, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!