Quản lý rác thải nhựa: Trách nhiệm không riêng ai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được đặt cảnh báo là vấn nạn toàn cầu, rác thải nhựa đại dương đang là “điểm nóng” mà các quốc gia, các địa phương có biển tích cực giải quyết. Trong cuộc chiến với rác thải nhựa này, trách nhiệm cộng đồng là yếu tố được đánh giá cao nhất.

Địa phương hành động…

Hiện nay, hầu hết các địa phương ven biển của nước ta đều đã có những chương trình hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Trong đó, vấn đề được nhấn mạnh là quản lý rác từ “nguồn”. Do đó, mục tiêu đặt ra là điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên các sông; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại khu di tích, khu dân cư tập trung, ven sông, theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với khu vực ven biển, phải thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển theo định kỳ. Cùng đó, huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa và phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương trên địa bàn…

Quản lý rác thải nhựa

Các địa phương đang đẩy mạnh hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực biển. Ảnh: Reuters

Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện các ban, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển đang tích cực phối hợp tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định.

Mặt khác, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Ngăn ngừa và giảm thiểu việc thải bỏ làm thất lạc ngư cụ khai thác hải sản, đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm.

Cần du khách chung tay

Sở Du lịch TP Hải Phòng vừa triển khai thực hiện quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trong lĩnh vực du lịch. Mục tiêu, nhằm nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa đại dương đến cán bộ, công chức cơ quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư và du khách trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải từ sản phẩm nhựa; ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các hoạt động dịch vụ du lịch để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, an toàn và thân thiện.

Phấn đấu đến năm 2025, 80% các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch ven biển trên địa bàn TP Hải Phòng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon. Đến năm 2030, các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon sẽ không được sử dụng tại 100% các khu, điểm du lịch, dịch vụ trên. Thành phố khuyến khích các hình thức sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại các điểm du lịch. Cùng đó, lồng ghép việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, khu du lịch với việc chấp hành cam kết giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa tại cơ sở.

Tại Quảng Nam, tỉnh này cũng phấn đấu đến năm 2025, 90% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; mục tiêu đến năm 2030 là đạt 100%.

Còn tại Phú Yên, địa phương cũng phấn đấu từ nay đến năm 2025, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa và túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao hiệu quả quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để hạn chế việc phát tán chất thải nhựa ra môi trường, biển và đại dương…

>> Mô hình “Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa” vừa được xây dựng tại đảo Cù Lao Xanh, xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ở đây sẽ thường xuyên có đội đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân, khách du lịch, cơ sở kinh doanh bỏ rác đúng nơi quy định. Một hình mẫu rất cần được nhân rộng.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!