Hệ số thức ăn cao trong quá trình nuôi tôm càng xanh thương phẩm khiến giá thành tăng, gây ô nhiễm môi trường ao, giảm năng suất.
Tôm càng xanh tăng trưởng thông qua quá trình lột xác. Quá trình này thường diễn ra vào đêm, khi lột xác tôm mềm và có hiện tượng tôm ăn thịt lẫn nhau. Để đảm bảo việc áp dụng quy trình này không ảnh hưởng đến năng suất và rủi ro do hao hụt, người nuôi chỉ được ngưng cho ăn 1 cữ vào buổi sáng trong ngày, trong 1 tuần cho ăn. Qua đó, giảm hệ số thức ăn, giảm chi phí thuốc, hóa chất xử lý môi trường, giảm dịch bệnh, giúp giá thành giảm, tăng thu nhập…
Giảm hệ số thức ăn song năng suất tôm vẫn đạt 1,5 – 1,8 tấn/ha – Ảnh: Diệu Lữ
Trong thời gian ngừng cho ăn tôm sẽ tự tìm thức ăn dư thừa nơi đáy ao còn sót lại và thức ăn có trong tự nhiên. Nhất là giai đoạn tôm nuôi được từ 2,5 tháng tuổi trở lên, lúc này tôm đã lớn và lượng thức ăn cho ăn nhiều hoặc người nuôi kiểm soát thức ăn không chặt chẽ, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, tôm hay nổi đầu vào buổi sáng và dịch bệnh hay xảy ra.
Nhờ việc tôm đã sử dụng phần thức ăn thừa nên không còn gây ô nhiễm môi trường, do đó không cần sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
Với kết quả đạt được trong quá trình áp dụng tất cả các hộ nuôi đều rất phấn khởi, dù năng suất dẫn đạt 1,5 – 1,8 tấn/ha không tăng so với trước. Nhưng hệ số thức ăn của các hộ nuôi giao động 1,8 – 1,9 nay giảm xuống còn 1,65 – 1,8, từ đó tiết kiệm được hệ số thức ăn trung bình 0,125 do tôm tận dụng phần thức ăn dư và thức ăn tự nhiên từ đáy ao.
Riêng phần chế phẩm sinh học xử lý môi trường từ mức trung bình 8 – 9 triệu đồng/ha đã giảm xuống còn 6 – 7 triệu đồng/ha.
Điểm lưu ý của quy trình này là bắt buộc phải ngừng cho tôm ăn buổi sáng, không ngừng cho tôm ăn buổi chiều. Nếu ngưng cho tôm ăn vào buổi chiều thì đến tối, khi tôm lột xác, vỏ còn mềm sẽ bị những con khác đang đói ăn thịt ngay.