Quản lý và khai thác thủy sản dựa vào cộng đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là chuyên đề diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế tổ chức tại TP Huế ngày 14 – 15/11 vừa qua.

Quản lý dựa vào cộng đồng và đồng quản lý nguồn lợi ven biển nói chung đã và đang được triển khai ở Việt Nam gần 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, nó còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, chưa có nền tảng vững chắc về pháp lý, tài chính, tổ chức để phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

Khai thác thủy sản tại phá Tam Giang, Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Xuân Trường

Bằng nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước, của các địa phương, hiện ở nước ta đã có khoảng hơn 40 mô hình đồng quản lý, quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng được triển khai và áp dụng, bao gồm cả nuôi trồng và khai thác thủy sản tại 18 tỉnh, thành phố ở 7 vùng sinh thái. Tuy nhiên, do nghề cá Việt Nam có những đặc điểm rất riêng như: quy mô nhỏ; ngư dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản, ngư dân các vùng ven biển sống phụ thuộc vào nghề cá (chiếm 82%); hoạt động ở gần bờ và sử dụng ngư cụ đánh bắt khá đơn giản… nên khi triển khai dự án, nhận thức của ngư dân cũng như chính quyền địa phương về mô hình đồng quản lý nghề cá còn hạn chế, dẫn tới phát triển không bền vững.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận những thông tin, kiến thức về thực trạng đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ ở Việt Nam hiện nay; những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động đồng quản lý nghề cá đã và đang triển khai trong cả nước. Đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.

Kết luận tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề xuất, kiến nghị các phương pháp quản lý và cách thức hoạt động của mô hình đồng quản lý nhằm phát huy tính ưu việt cũng như nhân rộng và phát triển hơn mô hình này trên cả nước như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật, khoa học kỹ thuật và phương pháp quản lý, cách thức hoạt động mô hình cho hiệu quả; Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề đồng quản lý. Tăng cường tổ chức phổ cập các kiến thức về khai thác bền vững cho người dân; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo quản và chế biến, đặc biệt là trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Đa dạng hóa ngành nghề sinh kế. Đồng thời, các cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc để bảo vệ người dân…

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!