Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các phương tiện đánh bắt, việc ngư dân đầu tư khai thác theo hướng mở rộng ngư trường xa cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, để hoạt động nghề cá bảo đảm an toàn, hiệu quả bền vững, góp phần bảo vệ biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia, các địa phương trong tỉnh đã hình thành và phát triển mô hình tổ hợp tác sản xuất trên biển…
Tổ hợp tác sản xuất – điểm tựa vươn khơi…
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình, hiện tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản trên biển của tỉnh có 4.160 chiếc, trong đó có trên 1.000 phương tiện tham gia đánh bắt xa bờ. Hoạt động khai thác xa bờ phát triển đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất và sản lượng đánh bắt hải sản.
Trước tình trạng hàng năm, ngư dân đánh bắt trên biển thường gặp các sự cố như: hỏng hóc máy móc, phương tiện, đối mặt với lốc bão và các tình huống xấu khác, dẫn đến bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, bà con đã dần hình thành cho mình những mô hình sản xuất tập thể (tổ đoàn kết) tương trợ nhau trên biển một cách tự phát. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập được 256 tổ đoàn kết sản xuất trên biển, mặc dù còn sơ khai nhưng các mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, việc liên kết với tính chất tự phát nên thiếu bền vững và hiệu quả chưa cao.
Các tàu ở xã Bảo Ninh (T.P Đồng Hới) tham gia vào mô hình THT đã hoạt động có nền nếp hơn
Hoạt động sản xuất theo mô hình tập thể trên biển của tỉnh chính thức được hình thành khi có Thông tư số 04, hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác (THT). Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 14 THT từ 21 tổ đoàn kết hoạt động có hiệu quả với 138 tàu tham gia có tổng công suất 18.320CV và số lượng thuyền viên tham gia là 918 người (bình quân mỗi THT có 9-10 tàu và 64- 65 thuyền viên); tổng nguồn quỹ các THT đóng góp để hỗ trợ các thành viên đạt gần 270 triệu đồng. Cụ thể, Quảng Trạch có 8 THT với 94 tàu; Bố Trạch 4 THT với 37 tàu và Đồng Hới 2 THT với 8 tàu, trong đó các tàu chủ yếu cơ cấu các nghề như: câu, mành, chụp mực, rê…
Theo đó, phương thức hoạt động của THT là đội tàu đánh bắt trên ngư trường gồm nhiều tàu, trong đó có một tàu đội trưởng. Vừa khai thác, chiếc tàu này còn có nhiệm vụ phân công các tàu khác đánh bắt, rồi cử ra một tàu khác chuyên vận chuyển, đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm cho các tàu đang khai thác trên biển. Nhờ đó, chu trình sản xuất liên tục, giảm được nhiều chi phí trung gian và chất lượng sản phẩm khai thác bảo đảm hơn.
Hiệu quả thiết thực…
Theo anh Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới), lâu nay nhu cầu thành lập các tổ đội sản xuất theo hình thức tập thể trên biển của bà con là rất lớn. Vì vậy khi triển khai chủ trương thành lập THT sản xuất trên biển, bà con đặc biệt quan tâm và phấn khởi tự nguyện tham gia. Hiện nay, xã Bảo Ninh đã thành lập được 2 THT sản xuất trên biển mang tên Quyết Thắng và Hồng Hà. Đáng ghi nhận là từ khi có mô hình THT, hoạt động đánh bắt của bà con ngư dân đi vào nền nếp, có tính tập thể cao hơn và đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Quang Hiếu, đội trưởng THT Quyết Thắng chia sẻ, đến nay, THT sản xuất đã giải quyết việc làm cho hơn 38 lao động với bình quân thu nhập gần 10 triệu đồng/chuyến biển, và không chỉ giúp ngư dân yên tâm khi đánh cá trên biển mà còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại các ngư trường. Đặc biệt, khi các thành viên tham gia vào THT khai thác trên biển sẽ khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ như: thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…Ngược lại, các THT cũng sẽ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về: lao động, vật tư và tiền vốn…
Tại huyện Quảng Trạch, sau khi 8 THT được thành lập (có 94 tàu tham gia) và đi vào hoạt động, với sự định hướng sát sao của chính quyền địa phương, các THT đã phát huy hiệu quả vai trò và năng lực của hình thức liên kết sản xuất tập thể. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, về thị trường tiêu thụ, kịp thời khai thác các luồng cá tập trung. Đặc biệt, một số THT đã bắt đầu hình thành việc phân công tàu thuyền chuyên làm công tác hậu cần, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm… Nhờ đó, ngư dân đã giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi xảy ra sự cố trên biển…
Gặp ngư dân Nguyễn Thanh Bình ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương sau chuyến đi biển dài ngày về, ông vui vẻ cho biết, trước đây, khi chưa có THT, tàu của ông cũng như bà con trong xã ít khi dám ra khơi xa, đặc biệt là vào mùa biển động. Từ khi tham gia THT với 6 thành viên, các tàu đã yên tâm bám biển dài ngày tại các vùng khơi xa, vì vậy năng suất và sản lượng đánh bắt tăng cao hơn nhiều.
Qua quá trình sản xuất thực tế của các THT cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, đó là số chuyến đi biển mỗi tàu thành viên tăng bình quân 2-3 chuyến so với TĐK (bình quân mỗi tàu đi biển 20-22 chuyến/năm) nên sản lượng khai thác bình quân đạt trên 194 tấn/tổ, cho doanh thu gần 13 tỷ đồng/tổ và thu nhập bình quân thuyền viên đạt 5,4 triệu đồng/tháng. Điển hình về sản lượng khai thác cao là các THT: Hồng Hà, Quyết Thắng của Bảo Ninh; 2 THT xã Nhân Trạch; tổ 4-29 và 3-16 của Cảnh Dương; Tân Tiến của Đức Trạch; Hồng Xuân xã Quảng Phúc…
Nâng tầm để hướng đến ngư trường xa
Khẳng định lợi ích về việc thành lập THT khai thác trên biển, ông Lê Văn Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, THT tạo điều kiện cho ngư dân có tàu công suất lớn vươn ra những vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ giúp ngư dân yên tâm khi đánh cá trên biển mà còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại các ngư trường. Tuy nhiên, hiện nay khai thác hải sản xa bờ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh các yếu tố khách quan về ngư trường, nguồn lợi thì những diễn biến theo chiều hướng phức tạp trên biển Đông thời gian gần đây đã gây tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất của ngư dân.
Vì vậy, trong điều kiện đó, phát triển khai thác xa bờ, đi đôi với liên kết để sản xuất không chỉ có ý nghĩa là hướng mở về sinh kế đối với ngư dân, mà còn duy trì sự có mặt thường xuyên của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước trên phương diện pháp lý và thực tiễn. Do đó, bên cạnh thực hiện các chủ trương, chính sách lớn về khai thác, đánh bắt trên biển, việc thành lập các THT sản xuất trên biển, tiến tới thành lập nghiệp đoàn nghề cá là một trong những giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển kết hợp với quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, mục tiêu hướng tới là dựa trên cơ sở các tổ, đội sản xuất trên biển đạt hiệu quả, sẽ tiến đến hình thành các liên kết ở mức độ cao hơn như: hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, xây dựng mô hình doanh nghiệp trong khai thác hải sản…
Song khó khăn lớn nhất hiện nay của ngư dân là việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng không mặn mà vì cho rằng nghề cá có độ rủi ro cao nên ngư dân khó tham gia được vào các THT sản xuất. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham giatổ đội, nhất là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất. Có như vậy, ngư dân mới mạnh dạn đầu tư và an tâm bám biển. Lực lượng tàu tổ chức dịch vụ thu mua trên biển còn ít và chưa bao tiêu tốt lượng tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Phần lớn thu mua theo chọn lựa sản phẩm, chỉ mua toàn mực, hay mua toàn cá lớn có giá trị kinh tế, trong khi ngư dân đánh bắt đa chủng loại cho nên việc tổ chức sản xuất này đòi hỏi phải có sự can thiệp lớn từ cơ quan chức năng, tạo mối gắn kết giữa người khai thác, người tổ chức thu mua và nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ ngư dân khi hoạt động trên các vùng biển xa bờ.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT sản xuất trên biển, gắn lợi ích kinh tế của các tổ với việc bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo,đẩy lùi việc xâm lấn ngư trường của tàu nước ngoài, thời gian tới các địa phương vùng biển tăng cường tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm và phổ biến các quy định của văn bản pháp luật về biên giới, Luật biển… và về sản xuất trên biển cho bà con ngư dân. Cùng với đó, theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện tại mô hình THT đánh bắt hải sản của tỉnh đã hình thành theo chiều rộng, trong tương lai sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu. Cụ thể, các mô hình nàysẽ tăng cường hỗ trợ ngư dân về thông tin ngư trường, các biện pháp bảo quản sản phẩm cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác và hướng tới dự báo ngư trường chính xác đến từng biên độ, từng km2. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục chỉ đạo thành lập mới các THT trên cơ sở từ hoạt động TĐK và đề ra các chính sách phù hợp hỗ trợ cho bà con… Đồng thời, hướng tới để thành lập Nghiệp đoàn nghề cá nhằm bảo vệ quyền lợi của ngư dân một cách toàn diện và hiệu quả cao hơn.