Quảng Nam: Cá lóc nuôi lồng ở hồ Khe Tân

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc lồng của anh Trương Văn Lành (xã Đại Chánh, Đại Lộc – Quảng Nam) đã hé mở triển vọng nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương này.

Giữa lòng hồ Khe Tân, “căn nhà nổi” nuôi cá lóc của gia đình anh Trương Văn Lành như một cõi yên bình giữa thiên nhiên sông nước. Anh kể, mô hình kinh tế này đã đem lại cho gia đình cuộc sống đủ đầy, thoát khỏi cảnh nhọc nhằn, lo toan từng cái ăn cái mặc. Gần 15 năm sống ly hương với bao khó khăn, phải mưu sinh nhiều nghề, năm 2005, anh mới bén duyên với mảnh đất Đồng Nai, cưới vợ và sinh con đầu lòng. Hơn 10 năm nuôi thả nhiều giống cá như chép, lóc đồng, diêu hồng… anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Khi đã có chút vốn kha khá, ở tuổi 35, anh dắt vợ con về quê sinh sống, lập nghiệp. Bởi theo tâm lý của người dân xứ này, làm giàu nơi đâu cũng không bằng làm giàu trên chính quê hương, xứ sở. “Đại Chánh có diện tích mặt nước rộng lớn, đa số bị bỏ hoang. Tại sao lại không tận dụng để chăn thả cá thịt, chỉ cần kiên trì, biết kỹ thuật, bám trụ với nghề là có thể đổi đời” – anh nói.

Anh Lành bên cạnh chú cá lóc vừa vớt lên. Ảnh: B.L

Nhận thấy mô hình nuôi cá lóc lồng có giá trị kinh tế cao, được nhiều bà con vùng Đông Nam Bộ cũng như miền Tây sông nước chọn thí điểm và thành công, được địa phương chấp thuận, vợ chồng anh đã mạnh dạn nuôi thả cá lóc trên diện tích 500 m2 giữa lòng hồ Khe Tân. Từ vốn ban đầu khoảng 160 triệu đồng, anh Lành sắm phao nổi, lưới bảo vệ, máy móc, sàn gỗ… làm lồng nuôi và đầu tư thuốc men cho cá hết 150 triệu đồng, số còn lại anh dùng mua 10 nghìn con cá giống Hồng Ngự tận Đồng Nai về nuôi. Đây là giống cá nhanh lớn, sức đề kháng tốt, lại cho năng suất cao, dễ phù hợp với môi sinh. Thức ăn không cầu kỳ, chỉ cần cá tạp, tôm, phụ phẩm, cua ốc xay nhuyễn… Đến nay, sau 5,5 tháng thả nuôi, trọng lượng mỗi con đạt từ 0,5 kg – 1,2 kg. Anh cho biết: “Thời tiết vừa qua xấu, khó nuôi; thời điểm cuối năm thức ăn khan hiếm chứ không cá còn phát triển hơn nữa”. Với giá thị trường ở thời điểm hiện tại khoảng 42 – 43 nghìn đồng/kg, trừ tiền thức ăn và công chăm sóc khoảng 60 triệu đồng, lứa này anh có thể lãi đến 100 triệu đồng. Không chỉ vậy, bên cạnh thả cá, để “lấy ngắn nuôi dài”, anh đã tận dụng diện tích đất quanh lòng hồ thả gà, vịt. Khu nuôi thả cá giữa hồ Khe Tân trở thành “tổ ấm” thứ hai của anh chị khi bên dưới là không gian của cá, một giàn sạp gỗ lắp đặt bên trên là không gian dành cho cả gia đình sinh sống.

Tuy cá lóc Hồng Ngự là giống ăn tạp, nhiều ưu điểm, ít bệnh nhưng trong quá trình nuôi, chúng cũng dễ mắc phải bệnh chướng hơi phình bụng, bỏ ăn. Ngoài ra, vi khuẩn, tạp khuẩn trong môi trường nước cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cá. Vì thế, cứ 3 tháng một lần phải tiến hành xổ giun, lãi cho cá. Để trị chướng bụng, anh Lành trộn thuốc trong thức ăn, đặc biệt là men tiêu hóa cho cá ăn. “Từ thành công của mình, tôi sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bà con về kỹ thuật. Sẵn sàng tập huấn cho người mới nuôi nếu địa phương yêu cầu” – anh nói.

BÍCH LIÊN

Theo Báo Quảng Nam, 16/02/2011

   

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!