(TSVN) – Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong những tháng đầu năm 2025, bệnh trên tôm nuôi xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi, nhất là bệnh do virus gây ra khiến cho tôm nuôi chết rất nhanh.
Rủi ro ngày càng cao
Quảng Nam có đến 8.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ mỗi năm. Trái với cảnh nhộn nhịp, tất bật nuôi tôm nhiều năm trước, nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đang rơi vào cảnh ảm đạm.
Khắp các khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh như Duy Vinh (Duy Xuyên), Cẩm Thanh (Hội An), Bình Nam (Thăng Bình), Tam Phú (Tam Kỳ), Tam Hòa (Núi Thành) hiện có rất nhiều ao nuôi tôm bị bỏ hoang, nước đục ngầu, rong phủ kín mặt ao. Bên cạnh các ao nuôi tôm bỏ hoang, nhiều ao nuôi có tôm chết đã được nông hộ cải tạo để bắt đầu lại vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2025.
Diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khoảng 156,62 ha. Ảnh: Quang Việt
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong những tháng đầu năm 2025, bệnh trên tôm nuôi xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi, nhất là bệnh do virus gây ra khiến cho tôm nuôi chết rất nhanh. Diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khoảng 156,62 ha. Trong đó, bệnh đốm trắng là 39,62 ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp là 85 ha, bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường gây ra là 32 ha.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) cho biết, trên địa bàn có 70 ha diện tích nuôi tôm nước lợ. Ở vụ 1 năm nay, các hộ nuôi đều tuân thủ đúng theo khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Môi trường, không nôn nóng nuôi tôm trước vụ như mọi năm, nhưng đến nay vẫn xuất hiện tình trạng tôm thẻ chân trắng đã chết hàng loạt. Chi hội Nông dân thôn Kim Đới đã thông báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đến UBND xã Tam Thăng để báo cáo, đề xuất với UBND TP Tam Kỳ nhưng hiện, chưa có cơ quan chức năng về lấy mẫu phân tích nguyên nhân.
Cẩn trọng thả nuôi
Hiện, thời tiết vào mùa nắng nóng xen kẽ những cơn mưa, rất dễ làm môi trường ao nuôi biến động mạnh, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm. Vì vậy, khi thả lại tôm giống cho vụ 1, người dân chỉ nên thả giống khi nhiệt độ không cao, thả nuôi với mật độ thích hợp. Đối với những khu vực có nguồn nước không đảm bảo chất lượng, người nuôi không nên bắt đầu lại vụ 1 nuôi tôm mà có thể chuyển sang nuôi cá dìa, cua, rong biển,…
Các hộ dân có tôm chết không nên xả thải ra bên ngoài mà triệt để diệt mầm bệnh để tránh gây hại cho các hộ nuôi tôm khác. Người nuôi tôm cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi tái đầu tư. Nhiều năm qua, việc quy hoạch nuôi tôm tập trung chưa được thực hiện nên các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều tự phát. Vì vậy, mỗi khi có dịch bệnh, xử lý môi trường, khoanh vùng dịch rất khó khăn.
“Nghề nuôi tôm nước lợ ngày càng nhiều rủi ro. Nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh có thể do nguồn nước nuôi tôm thẩm lậu từ ao này đến ao khác, khu vực nuôi này đến khu vực nuôi khác. Do đó, để khắc phục trình trạng này, cơ quan chức năng địa phương cần hỗ trợ người dân xây dựng vùng nuôi tôm tập trung, an toàn dịch bệnh để giảm rủi ro, tăng hiệu quả vụ nuôi”, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn người nuôi tôm chuyển hướng sang nuôi tôm an toàn dịch bệnh, sản xuất xanh, truy xuất nguồn gốc tôm nuôi, nhất là liên kết tạo chuỗi tôm thương phẩm sạch để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nuôi, tăng hiệu quả kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích nuôi tôm.
Nguyễn Hằng