Quảng Nam: Đưa cá “Tây” lên núi

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau thành công từ việc di thực giống sâm Ngọc Linh quý hiếm về “vườn nhà”, Tây Giang (Quảng Nam) đang trở thành tâm điểm chú ý khi lập “kỷ lục” mới: nuôi thí điểm thành công giống cá tầm xứ lạnh của Nga.

Nếu nuôi thành công, cá tầm sẽ góp phần vào hành trình xóa đói, giảm nghèo bền vững của Tây Giang.

Chuyện Tây Giang bước đầu nuôi thí điểm thành công giống cá tầm xứ lạnh của Nga (cá tầm Nga), dù không còn mới mẻ gì, vẫn thu hút sự hiếu kỳ của chúng tôi trong chuyến đi núi đầu xuân. Vội vàng vào trang mạng tìm kiếm Google nhập từ “cá tầm”, chỉ mất 0,11 giây chúng tôi đã nhận được hơn 280 triệu kết quả có liên quan đến cá tầm. Nhưng các kết quả nói về việc nuôi cá tầm thành công tại Việt Nam thì quá ít ỏi, hầu hết các kết quả chỉ tập trung vào giới thiệu những giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế của giống cá “quý tộc” nơi trời Tây này. Theo các tài liệu, cá tầm Nga là một trong những loài cá sống lâu nhất trên trái đất, xuất hiện từ khoảng 250 triệu năm. Cá tầm thuộc loại cá không xương, bộ xương chỉ là những sụn. Thân cá hình ống gồm 5 hàng xương gai (sụn); da dày, nhám, không vảy, màu sắc da thay đổi tùy loài, độ tuổi và vùng sinh thái; đuôi cá chĩa chẻ đôi. Miệng cá nhỏ nằm ngang, không răng; mũi dài nhọn có 4 râu hình trụ cứng, dùng để kiếm mồi. Thịt cá trắng mịn, béo, thơm ngon được thế giới biết đến và ghi nhận là dòng thực phẩm cao cấp, quý hiếm với 2 sản phẩm chính có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao là thịt và trứng cá.

Thử sơ lược vài nét chính về loài cá “Tây” này để thấy, nếu việc nuôi thí điểm thành công, Tây Giang sẽ lại có thêm cơ hội mới trong hành trình xóa đói, giảm nghèo. Tây Giang có niềm tin thành công với cơ hội mới này bởi điều kiện thổ nhưỡng địa phương thích hợp với cá tầm và điều quan trọng hơn cả là thái độ nghiêm túc trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo huyện cùng sự hưởng ứng tích cực, đầy kỳ vọng của ngành nông nghiệp. Cuối năm 2011, một chiếc hồ nhân tạo rộng 200 m2 được xây dựng thả nuôi cá tầm bên bờ suối Tr’Lêê (thôn Agrồng, xã A Tiêng). Ông Hồ Đắc Vinh – Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết 06 – NQ/HU của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp huyện đã bắt tay xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng riêng của mình. Đó là tập trung khảo sát các điều kiện tự nhiên, mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Triển khai nuôi thí điểm giống cá tầm Nga tại khu vực suối Tr’Lêê là một phần kế hoạch của ngành nông nghiệp huyện. “Chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật vào tận Lâm Đồng để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm. Sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc nuôi cá, cuối năm 2011, chúng tôi quyết định đầu tư hơn 450 triệu đồng để thả nuôi thí điểm 725 con cá tầm giống. Đến nay, đàn cá đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, chỉ hao hụt 3 con; trọng lượng cá tăng gần 10 lần so với lúc thả nuôi, tức đạt gần 300 g/con” – ông Vinh nói.

Cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang xử lý ao nuôi cá tầm.

Cũng theo ông Vinh, điều kiện tự nhiên của Tây Giang rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống cá tầm. Nếu việc nuôi thí điểm giống cá “Tây” này thành công sẽ là nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương. “Cá tầm có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao và đang được thị trường ưa chuộng. Hiện 1 kg cá trên thị trường khoảng 400 nghìn đồng. Sau 1 năm thả nuôi, cá đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg và xuất bán được. Với những thành công bước đầu đầy khả quan như vậy, chúng tôi tin tưởng con cá tầm sẽ “hợp lực” với cây cao su, đảng sâm, sâm ba kích… trở thành những mặt hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của địa phương” – ông Vinh chia sẻ.

Ông Bh’riu Liếc – Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết địa phương quyết tâm tập trung nuôi cho thành công giống cá tầm để hướng đến nhân rộng mô hình một cách khoa học, khai thác hợp lý điều kiện mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Tây Giang. “Nếu mô hình này thành công, huyện sẽ đầu tư mạnh để nhân rộng ở các xã có điều kiện, tạo bước đột phá mới cho ngành thủy sản miền núi” – ông Liếc nói.

HÀN GIANG

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!