Hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt, khi ngư dân theo nghề lưới vây ứng dụng máy dò ngang vào đánh bắt hải sản. Nhưng mô hình mới thí điểm hạn chế cùng với những trở ngại khác về vốn, tính năng kỹ thuật… khiến ngư dân chưa thật mặn mà.
“Kỳ tích”
Lần lượt đưa 2 chiếc tàu QNa 90415 TS và QNa 90578 TS vào khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), chủ tàu Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, cùng xã) tỏ ra vui mừng vì chuyến biển được mùa. Ông Lệ hồ hởi: “Một thành quả không dễ gì có được của đội tàu chúng tôi: 70 tấn cá cho 21 ngày khai thác trên biển. Từ khi thay máy dò đứng bằng máy dò ngang, nhờ tiết kiệm được nhiều thời gian đánh bắt trên biển, sản lượng khai thác của đội tàu chúng tôi đã không ngừng được tăng lên”. Bán được hơn 1 tỷ đồng từ 70 tấn cá nục và cá ngừ, sau khi khấu hao chi phí (dầu, nước đá, gas, lương thực, công lao động,…), gia đình ông Lệ thu gần 700 triệu đồng, một mức thu kỷ lục trong mùa biển động. Thời gian qua, nhiều chủ tàu câu mực khơi trên địa bàn tỉnh cũng thu được hơn 1 tỷ đồng cho mỗi chuyến biển kéo dài trong khoảng thời gian xấp xỉ 3 tháng.
Ông Phạm Xuân Lệ sử dụng máy dò ngang từ tàu cá của gia đình.Ảnh: Q.Việt
Cũng ở khu neo đậu tàu cá An Hòa, những ngày này các phương tiện theo nghề lưới vây cũng lần lượt vào bờ. Ông Phạm Xuân Anh, chủ tàu cá QNa 90359 TS (ở thôn Sâm Linh Tây) cho biết, từ khi ứng dụng máy dò cá ngang trong khai thác hải sản, nghề lưới vây của gia đình khởi sắc hẳn lên. Theo ông Anh, với mỗi chuyến biển từ 21 – 25 ngày của hơn 20 thành viên, sản lượng thu được thường hơn 30 tấn cá ngừ, cá nục. Vào thời điểm hiện tại, mỗi chuyến biển như vậy đem lại cho ông hơn 500 triệu đồng, sau khi khấu trừ chi phí cũng cho lãi không dưới 300 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông), chủ tàu cá đầu tiên áp dụng máy dò cá ngang cho nghề lưới vây trên địa bàn Quảng Nam, nói: “Với những tính năng hiện đại, máy dò ngang giúp ngư dân chủ động, linh hoạt hơn trong đánh bắt. Ngoài ra, nhờ khả năng phát hiện đàn cá tốt, chúng tôi cũng đạt hiệu suất cao với từng mẻ lưới. Sản lượng đánh bắt tăng lên mà nhiên liệu lại được tiết kiệm hơn, mỗi chuyến biển thành công hơn nhờ áp dụng máy dò cá ngang”.
Thời gian qua, hiệu quả khai thác hải sản của nghề lưới vây trên địa bàn tỉnh chưa cao như kỳ vọng của nhiều người. Có ý kiến cho rằng, do sử dụng máy dò đứng, mức độ phát hiện đàn cá hẹp nên chỉ phát hiện đàn cá dưới đáy tàu, vì vậy thời gian đánh bắt hao tốn nhiều. Với máy dò ngang, hiệu quả thay đổi hẳn. Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam cho biết, máy dò ngang được sử dụng cho phép quan sát đàn cá đến 3.600 trên các góc nghiêng, tầm dò đến 1.000m với 8 chế độ vận hành. Việc kết hợp với các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc… sẽ giúp cho thuyền trưởng có thể quan sát từng vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của cá… Ngoài ra, máy còn có chức năng bám đàn cá, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá. Nhờ chủ động chọn thời điểm thả lưới, xác suất bắt gặp đàn cá cũng cao hơn so với sử dụng máy dò đứng như trước đây.
Giúp vốn
Từ năm 2010 đến nay, với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư Quảng Nam đã triển khai mô hình ứng dụng máy dò ngang JMC- SCL 1000 cho các chủ tàu theo nghề lưới vây trên địa bàn tỉnh. Với ứng dụng này, phía ngư dân chịu 50% vốn đối ứng, 50% vốn còn lạido trung ương hỗ trợ. Đến thời điểm này, cả 3 mô hình được triển khai tại các hộ ông Huỳnh Văn Tạo, Phạm Xuân Anh, Phạm Xuân Lệ đều đã thành công như mong đợi. Tuy nhiên, mô hình này lại rất khó nhân rộng nếu không có sự hỗ trợ 50% vốn từ phía Nhà nước. Theo bà Lâm Thị Ngọc (Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam), giá thành máy dò cá ngang lên đến 300 triệu đồng, nếu được hỗ trợ 50% thì ngư dân mới dám đầu tư…
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành nhận định rằng, hiệu quả của việc sử dụng máy dò ngang để khai thác hải sản là điều đã được chứng minh. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ là nguồn đầu tư lớn nên ngư dân không đủ khả năng huy động vốn. “Nhà nước cần khuyến khích sản xuất trên biển bằng cách mở rộng nhiều đối tượng được hỗ trợ, chứ không nên khu biệt thí điểm vài đối tượng hưởng lợi từ mô hình. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nhanh hơn với các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy dò ngang. Đây là điều cần thiết hiện nay” – ông Sơn nói.
Không chỉ thiếu vốn, việc nhân rộng máy dò ngang cũng gặp khó khăn do đây là công nghệ còn quá mới đối với ngư dân. Theo đánh giá ban đầu về tính năng kỹ thuật, máy dò cá ngang đòi hỏi sự “chuẩn mực” về kỹ thuật và quy trình sử dụng. Muốn sử dụng hiệu quả, ngư dân phải biết “đọc” được các “biểu tượng” về đàn cá hiện lên trên màn hình. Muốn vậy, chủ tàu cá phải biết xác định đó là cá gì, trọng lượng cỡ bao nhiêu, di chuyển theo hướng nào… “Các điều mới mẻ đó khác xa với tập quán sản xuất chỉ đòi hỏi đơn giản về sự dẻo dai, khỏe mạnh về thể chất của ngư dân. Vì thế, ngư dân “ngại” tiếp cận kỹ thuật đánh bắt này” – ông Sơn nói. Hơn thế nữa, ngư dân chưa mặn mà với máy dò ngang còn do thiết bị này khó có thể giúp họ phát huy hiệu quả đánh bắt tức thì, bỏ qua giai đoạn “làm quen” với máy…
Sau 3 năm triển khai mô hình ứng dụng máy dò cá ngang trong khai thác hải sản của nghề lưới vây, ngành chức năng đã nhiều lần tổ chức hội thảo để giúp ngư dân tiếp cận kỹ thuật khai thác hải sản tiến bộ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài các chủ tàu thuộc xã Tam Quang, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh chưa ứng dụng nhiều. Rõ ràng, bên cạnh sự khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, ngành chức năng cần có kênh thông tin phù hợp giúp ngư dân hiểu rõ hiệu quả kinh tế khi áp dụng mô hình này.
>> “Nhà nước cần khuyến khích sản xuất trên biển bằng cách mở rộng nhiều đối tượng được hỗ trợ, chứ không nên khu biệt thí điểm vài đối tượng hưởng lợi từ mô hình. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nhanh hơn với các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy dò ngang”. (Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành) |