Sau những ngày bão nổi, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lại chuẩn bị ngư lưới cụ tiếp tục ra khơi. Nhờ cải tiến ngư cụ và linh hoạt chuyển đổi nghề, nhiều phương tiện có được thu nhập khá.
Chuyển đổi nghề
Sau cơn bão số 8 gián tiếp ảnh hưởng, ngư dân nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh lại chuẩn bị ngư lưới cụ, ra khơi. Chiều tối, tại vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An), vẫn thấy nhiều ngư dân hối hả khiêng lưới vào thuyền, chuẩn bị cho chuyến biển sáng sớm mai. Ông Đinh Trung (khối phố Phước Hòa, phường Cửa Đại) chia sẻ: “Từ khi xã Cẩm An được tách ra thành phường Cẩm An và phường Cửa Đại, đời sống của người dân vùng biển chúng tôi đã có nhiều đổi khác. Mức sống của nhiều gia đình được nâng lên rõ rệt nhờ quanh năm bám biển. Mùa này thời tiết biến động thất thường, nhưng hễ khi nào biển yên sóng gió là chúng tôi lại ra khơi”.
Gia đình ông Nguyễn Thành Lê chuẩn bị cho chuyến biển gần bờ – Ảnh: Q.Việt
Theo nhiều ngư dân, ý chí bám biển đã giúp nhiều người linh hoạt trong việc tìm tòi nhiều kiểu đánh bắt để phù hợp với điều kiện thời tiết, nhất là mùa biển động. Từ nghề câu mực khơi, lưới vây ánh sáng đến mành chụp, rút chì hay nghề trũ, người dân Cửa Đại đều có thể làm được. Mùa nào nghề ấy, biển yên thì lưới mỏng, biển “nhóc” (sóng lớn) thì lưới dày. “Nghề lộng tại vùng biển Cửa Đại này vào mùa biển động cũng nhọc nhằn lắm, nhưng nhờ kiên trì bám biển, cuộc sống của ngư dân chúng tôi cũng không đến nỗi nghèo khó. Với mỗi chuyến biển từ khuya cho đến tảng sáng, dù là đi lưới ghẹ, đánh bắt cá hanh, cá chai, cá hố, mỗi thuyền của ngư dân cũng thu được ít nhất vài trăm nghìn đồng” – ông Trung nói.
Ở xã Điện Dương (Điện Bàn), sau những ngày bão nổi cũng thấy ngư dân ra khơi đánh bắt gần bờ bằng nghề lưới ghẹ, giã ruốc, câu giăng… Theo lão ngư Nguyễn Văn Siêng (thôn Quảng Gia, Điện Dương), khi thời tiết thuận lợi là ngư dân hăng hái ra biển ngay. Do mùa này cá bán được giá nên nhiều người có thêm động lực ra khơi. “Ở Quảng Gia và nhiều nơi khác trên địa bàn xã, ngư dân chúng tôi có thể linh hoạt chuyển đổi nghề vào các thời điểm khai thác hải sản khác nhau. Nếu biển “nhóc” thì chúng tôi đi lưới ghẹ và lưới mực, câu giăng, còn biển yên chúng tôi lại đi lưới ruốc. Nhờ trữ lượng cá nổi tại vùng bãi ngang ven biển Điện Bàn dồi dào nên sản lượng khai thác cũng tương đối cao”.
Những ngày này, ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) cũng sửa soạn ghe, thuyền, thúng và ngư cụ cho những chuyến biển gần bờ. Ngư dân cho biết, vào mùa biển động, để đảm bảo an toàn, nhiều phương tiện có công suất lớn của địa phương phải đổi nghề để có thể khai thác gần bờ. Ngư dân Nguyễn Thành Lê (thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) nói: “Để có thể khai thác gần bờ, những ngày này chúng tôi đã cất công “chế tác” lại các loại lưới thường dùng. Cá ven bờ thường nhỏ nên chúng tôi phải gia cố mắt lưới mỏng thành mắt lưới dày. Mỗi đêm khai thác không nhiều nhưng cũng thu được vài trăm nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống”.
Hỗ trợ ngư dân bám biển
Theo nhiều ngư dân, vào thời điểm này tại các vùng biển bãi ngang trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hải sản xuất hiện với trữ lượng lớn như cá trích, cá hố, cá thu… Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thường xuyên xuất hiện gió mùa, bão, áp thấp, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm khi sản xuất trên biển. Theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Điện Dương, để hỗ trợ ngư dân trong mùa biển động, địa phương đã vận động, khuyến khích phát huy hiệu quả từ mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Mô hình này sẽ giúp cho ngư dân có thể tương trợ nhau, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện cũng như thông tin, liên kết trong việc bán sản phẩm khai thác được, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, thời gian qua nhờ được tập huấn để bổ sung thêm các kiến thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển nên ngư dân trên địa bàn xã đã yên tâm hơn trong sản xuất. “Để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, nhân rộng các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển, tăng cường dự báo ngư trường để giảm thời gian và chi phí tìm kiếm ngư trường cho ngư dân” – ông Bảy nói.
Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi & khai thác thủy sản (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam), hiện tại ngành chức năng đã rà soát số lượng tàu thuyền của các nghề hoạt động trong vụ cá bắc, nắm bắt tình hình sản xuất và ngư trường hoạt động của từng loại nghề, duy trì hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển… để hỗ trợ ngư dân.
>> “Bên cạnh việc tổ chức cho ngư dân bám biển sản xuất với các nghề phù hợp theo phương châm an toàn, hiệu quả, hiện chúng tôi đã khẩn trương kiểm tra các điều kiện an toàn cho tàu, thuyền hoạt động trên biển. Ngoài ra, đơn vị cũng đang triển khai công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo thông tin kịp thời giữa tàu, thuyền trên biển với đất liền. Việc đảm bảo nơi neo đậu, tránh trú bão cho các phương tiện khai thác của ngư dân cũng đã được chúng tôi quan tâm”. (Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Nam) |