Quảng Nam: Thủy sản ách tắc đầu ra

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều loại thủy sản gặp khó đầu ra, giảm giá bán; trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao khiến nông dân trong tỉnh gặp khó khăn.

Đầu ra sản phẩm ách tắc

Anh Lê Tấn Long đầu tư 20 lồng bè nuôi cá dìa, cá nâu, điêu hồng ở sông Cổ Cò đoạn qua khối phố Phước Trạch (phường Cửa Đại, TP.Hội An), sau 6 tháng nuôi, đến kỳ thu hoạch thì sản phẩm khó tiêu thụ.

“Đầu mối” tiêu thụ các loại thủy sản của anh Long cho rằng không thể vận chuyển cá đến các tỉnh khác để bán nên chưa thể mua cá. TP.Hội An sau khi thực hiện Chỉ thị 16, chuyển qua Chỉ thị 15, nhưng hiện các chợ truyền thống vẫn chưa thể nhộn nhịp mua bán trở lại cũng khiến đầu ra sản phẩm thủy sản gặp khó.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (cán bộ phụ trách thủy sản của UBND phường Cửa Đại) cho biết, toàn phường có 162 hộ nuôi cá với 1.925 lồng bè. Một số hộ đã bán được cá nhưng với giá rất thấp. Cụ thể, cá dìa trước khi có đợt dịch Covid-19 được bán với giá 170 – 200 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 110 nghìn đồng/kg. Cá nâu đã hạ giá từ 400 nghìn đồng/kg chỉ còn chừng 200 nghìn đồng/kg.

 

Khó tiêu thụ tôm thương phẩm

TP.Hội An có diện tích nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm ao đất với tổng diện tích gần 100ha, sản lượng hơn 200 tấn/năm. Dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Hậu (thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh) có 4 ao nuôi tôm lót bạt với diện tích gần 3.000 m2, cho biết tôm nuôi đã hơn 3 tháng, đến thời điểm xuất bán nhưng đầu ra khó khăn, đành bán lẻ cho người dân địa phương.

Trong khi đó gần đây giá thức ăn nuôi cá lại tăng vọt. Anh Lê Phước Bảo ở khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại (một hộ nuôi cá trên sông Cổ Cò) cho biết, bao thức ăn nuôi cá loại 25 kg trước đây có giá 400 nghìn đồng, nay đã tăng lên hơn 600 nghìn đồng. Với 25 lồng bè, mỗi ngày anh Bảo cho cá ăn hết 5 bao, tốn hơn 3 triệu đồng.

“Cá đến kỳ thu hoạch, sức ăn càng tăng lên. Càng chậm bán cá thì thêm tốn kém” – anh Bảo nói.

Nhiều hộ nuôi cá trên sông Cổ Cò cho biết, sắp bước vào mùa mưa bão, xem như vụ nuôi cá năm nay đã khép lại. Sang năm 2022, không biết có tiếp tục sản xuất khi dự án nạo vét sông Cổ Cò vẫn trong giai đoạn chờ triển khai. Trong khi đó, đầu tư lồng bè để nuôi cá tốn kém hàng trăm triệu đồng, bỏ không sẽ rất lãng phí.

Nhiều mô hình nuôi thủy sản ở huyện Thăng Bình cũng gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Ông Đỗ Văn Đức (thôn Đồng Thanh Sơn, xã Bình Định Nam, Thăng Bình) cho biết, chưa thể bán cá trê ở 2 ao nuôi và ếch ở 43 ao nuôi.

Ông Đỗ Văn Đức có tới 43 ao nuôi ếch chưa bán được. Ảnh: Việt Nguyễn

“Lượng cá và ếch đến kỳ bán quá nhiều. Tôi quyết định bán với giá chỉ bằng một nửa so với trước đây, chỉ mong gỡ vốn. Các mối làm ăn đều bảo do dịch Covid-19, hàng thủy sản không bán được nên không mua. Chỉ bán lẻ tẻ cho các quán ăn thì đến năm sau cũng chưa hết cá, ếch đang nuôi” – ông Đức nói.

Khó khơi thông thị trường

Lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện rất nhiều, cần khơi thông thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nông hộ không thể bán thủy sản ở các siêu thị vì không đủ tiêu chuẩn, nhất là quy định về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, đưa lên sàn thương mại điện tử thì họ “chưa quen”.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã nắm thông tin các loại thủy sản gặp ách tắc đầu ra. Cách hỗ trợ của ngành là thông tin đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh để có thể thu mua. Tuy vậy, cái khó là có quá nhiều thủ tục, quy định về vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.

“Hiện Quảng Nam có ít nhà máy chế biến thủy sản có thể mua nguồn nguyên liệu trên địa bàn. Không dễ đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản thông qua nhiều kênh phân phối với hình thức phù hợp trong điều kiện giãn cách xã hội hiện nay” – ông Ngô Tấn nói.

Ông Đặng Bá Dự – Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, bối cảnh dịch bệnh đặt ra nhiều yêu cầu đối với người nuôi thủy sản. Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng hàng thủy sản, nông hộ cần mở rộng thị trường truyền thống đi đôi với “gõ cửa” các thị trường mới.

“Các địa phương cần rà soát, nắm chắc số lượng, chủng loại thủy sản cần tiêu thụ, có giải pháp tự cân đối nhu cầu tại chỗ, số còn lại phải khẩn trương kết nối với ngành công thương, các hiệp hội, ngành hàng để được tư vấn tiêu thụ hàng thủy sản khẩn cấp. Chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa, giải quyết nhanh chóng trong thẩm quyền của mình. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ có trao đổi với các ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan ở Trung ương xem xét, giải quyết” – ông Đặng Bá Dự nói.

 Việt Nguyễn

Nguồn: Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!