T4, 18/05/2022 11:40

Quảng Ngãi: Ngư dân làm giàu từ nghề săn cá kiếm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề săn cá kiếm đã trở thành “cần câu cơm” cho nhiều ngư dân ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nhờ giữ lấy nghề mà ngư dân chẳng những cải thiện được cuộc sống, nhiều người còn vươn lên làm giàu.

Ngư dân Nguyễn Thành Sơn, ở làng chài Phổ Quang chia sẻ, cá kiếm được biết đến như một trong những “hung thần biển cả”, bởi đây không chỉ là loài cá có kích thước lớn (chiều dài có thể lên đến hơn 4 m và trọng lượng đạt đến nửa tấn) mà còn có đặc trưng là mỏ nhọn, dài như thanh kiếm, được nó sử dụng như một loại vũ khí để xiên con mồi. Vậy mà, ở làng chài Phổ Quang nhiều thế hệ ngư dân nơi đây đã xem việc săn được cá kiếm là nghề truyền thống của họ.

Ngư dân Nguyễn Thành Sơn chia sẻ: “Nghề này là nghề cha truyền con nối ở quê tôi. Nếu như ngày trước, thế hệ cha ông chỉ cần đi biển gần bờ là đã săn được cá kiếm, thì bây giờ chúng tôi phải ra đến vùng lộng, vùng khơi. Ai làm nghề săn cá kiếm cũng đều trải qua đôi lần bị loài cá này lao vào tàu. Cá có trọng lượng lên đến mấy trăm ký, lại có mũi kiếm vừa dài, vừa nhọn nên có thể làm thủng luôn vỏ tàu. Nhiều tàu nhỏ chuyên đánh bắt ven bờ, may mắn săn được cá kiếm lớn thì phải kéo lưới, lai dắt cá từ biển vào bờ, rồi mới dám gỡ cá ra”. 

Cá kiếm thường di chuyển nhanh và săn mồi ở tầng nước nổi, nên để “săn” được loài cá này ngư dân làng chài Phổ Quang phải dùng đến loại lưới rê nilon thả trôi, chắn ngang hướng di chuyển của cá để cá mắc vào lưới nhưng để đón được đường đi của loài cá này, mỗi tàu đều phải thả mẻ lưới kéo dài từ 9 – 10 hải lý (khoảng 16 – 18 km).

Cá kiếm được ngư dân Phổ Quang đánh bắt với trọng lượng dao động từ 60 – 350 kg/con. Ảnh: Như Đồng

“Mỗi ngày, chúng tôi thả lưới lúc 16 – 17 giờ chiều rồi chờ tới 22 – 23 giờ đêm thì thâu lưới. Giàn lưới dài tới 16 – 18 km, nhưng do cá đi riêng lẻ nên mỗi lần thả lưới thường chỉ được 2 – 3 con, trúng mánh lắm mới được trên chục con. Bù lại, mỗi con cá kiếm có trọng lượng lên đến 200 – 300 kg, nên chỉ cần một mẻ lưới kéo được 5 – 6 con, là coi như vô mánh rồi”, ngư dân Nguyễn Thành Sơn cho biết. 

Theo các ngư dân, cá kiếm không chỉ xuất hiện nhiều ở vùng khơi mà còn có mặt ở vùng lộng, thậm chí cả vùng ven bờ và có đặc tính di cư theo dòng nước. Vì vậy, để săn được cá kiếm, ngư dân phải thay đổi vùng đánh bắt liên tục, chứ không cố định tại vùng nước nào. Nghề săn cá kiếm vì vậy không có ngư trường quen thuộc, mà buộc phải di chuyển theo đặc tính di cư của cá. 

Gắn bó gần 20 năm với nghề, ngư dân Nguyễn Thành Sơn đã dựng được ngôi nhà khang trang và sắm được con tàu QNg 94857TS cùng ngư lưới cụ trị giá gần 3 tỷ đồng. “Để săn được cá lớn, mình phải sắm tàu lớn, máy lớn, ngư lưới cụ thật xịn. Chỉ tính riêng giàn lưới rê nilon, tôi đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng. Bù lại, loại này rất chắc chắn nên cá kiếm mấy trăm ký có vùng vẫy, cũng không dễ gì phá rách được lưới”, ngư dân Sơn nói. 

Cũng theo đuổi nghề săn cá kiếm hơn 20 năm nay, nhưng thay vì làm theo số đông là khai thác cá kiếm quanh năm, ngư dân Nguyễn Đức Thạnh, chủ tàu QNg 94713TS ở làng chài Phổ Quang chỉ chuyên săn cá kiếm vào mùa đông.

 “Mùa đông, sản lượng đánh bắt cá kiếm sẽ ít hơn mùa hè. Nhưng bù lại, giá cá kiếm vào mùa đông thường tăng 15 – 20% so với mùa hè. Do vậy, mùa hè tôi đi làm nghề lưới vây, rồi chờ đến tháng 9 âm lịch trở đi mới bắt đầu vào mùa đánh bắt cá kiếm”, ngư dân Thạnh cho biết.

Ngư dân Nguyễn Đức Thạnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề lưới rê nilon, chuyên đánh bắt cá kiếm, nên khi mới 21 tuổi anh đã nối nghiệp cha mình. Đến giờ, sau gần 30 năm gắn bó với nghề, anh Thạnh từ chiếc tàu nhỏ mà cha để lại đã sắm cho mình chiếc tàu công suất 730CV, với tổng trị giá 2,6 tỷ đồng và tạo công ăn, việc làm ổn định cho 10 thuyền viên địa phương…

Theo ông Võ Xuân Cẩm – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá, phường Phổ Quang có khoảng 50 tàu làm nghề lưới rê nilon, chuyên đánh bắt cá kiếm với trọng lượng dao động từ 60 – 350 kg/con; giá bán từ 45.000 – 60.000 đồng/kg. Đây là loại cá có giá trị cao, nên từ trước đến nay, ngư dân địa phương không phải lo về đầu ra, mà luôn được các công ty, thương lái tại nhiều tỉnh thành thu mua, săn đón. 

Như Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!