(TSVN) – Theo cơ cấu lịch thời vụ của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, lịch thả nuôi thủy sản nước lợ vụ đầu tiên trong năm nay bắt đầu từ tháng 2 dương lịch. Vì vậy, từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ nuôi thủy sản ở các địa phương đang tập trung vệ sinh ao hồ, chuẩn bị xuống giống vụ mới.
Quảng Ngãi có đường bờ biển dài khoảng 130 km cùng với nhiều cửa sông, luồng lạch thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo.
Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản tập trung ở ven biển, ven đảo các địa phương thuộc TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức và Lý Sơn. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá biển như cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè, hàu, tôm,… Các mô hình này đã góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Theo cơ cấu lịch thời vụ của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, lịch thả nuôi thủy sản nước lợ vụ đầu tiên trong năm bắt đầu từ tháng 2 dương lịch. Vì vậy, từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ nuôi thủy sản ở các địa phương đang tập trung vệ sinh ao hồ, chuẩn bị xuống giống vụ mới. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, ốc hương. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người dân, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã có những hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi, chất lượng con giống,…
Ông Nguyễn Bảo, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) hiện có 4 ao nuôi thủy sản ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh với tổng diện tích 12.000 m². Trước đây, diện tích này, ông Bảo nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng những năm gần đây đã chuyển sang nuôi ốc hương. Hiện ông Bảo đã thả nuôi 3 ao ốc hương với 25 vạn con giống và đang vệ sinh ao nuôi còn lại để sang ốc từ các ao khác qua, tạo môi trường nuôi mới, giúp ốc phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh.
Theo ông Bảo, khâu quan trọng nhất của một vụ nuôi mới là quá trình vệ sinh ao nuôi cần phải đảm bảo sạch sẽ. Bởi sau một vụ nuôi thì toàn bộ lượng chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh,… đều tích tụ ở đáy ao. Vì vậy, nếu quá trình cải tạo ao không tốt sẽ là nguyên nhân khiến tôm chậm phát triển và xảy ra một số loại bệnh.
Để nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã khuyến cáo người dân cần tuân thủ lịch thời vụ, đảm bảo quy trình nuôi, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng thức ăn, các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản bảo đảm chất lượng, không dùng kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm sử dụng do Bộ NN&PTNT ban hành.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 84,5 ha nuôi thủy sản nước lợ vụ đông năm 2024 còn đang nuôi, trong đó, có 44,9 ha nuôi tôm; 39,6 ha nuôi ốc hương, tập trung ở huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ. Năm 2025, ngành thủy sản tỉnh đặt mục tiêu thả nuôi gần 440 ha thủy sản nước lợ, trên biển; sản lượng đạt hơn 9.500 tấn.
Thanh Hiếu