Phát huy thế mạnh là huyện đảo có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, những năm gần đây, ngư dân Lý Sơn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị hiện đại vươn khơi xa khai thác dài ngày trên biển, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hướng ra biển lớn
Ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện Lý Sơn cho biết: Xác định phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, nên thời gian qua, Lý Sơn đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế biển. Nếu năm 2005, toàn huyện có 320 tàu thuyền, với tổng công suất 22.000CV, thì nay có 420 chiếc, với tổng công suất 43.372CV. Trong số đó, đa phần là tàu có công suất lớn và hành nghề khơi xa, giải quyết việc làm cho 3.300 lao động. Các loại phương tiện hành nghề hiệu quả nhất ở Lý Sơn là: Nghề lưới chuồn cồ, nghề câu khơi, nghề lưới vây rút chì, nghề lặn… Nhờ đa dạng ngành nghề nên năm 2012, ngư dân khai thác được 34.000 tấn hải sản các loại, giá trị trên 241 tỷ đồng, đạt 111%KH. Riêng 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân trong huyện khai thác được trên 4.230 tấn hải sản các loại…
Dịch vụ thu mua cá đem vào đất liền bán mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế biển của Lý Sơn.
Để tạo động lực, cũng như giúp ngư dân yên tâm bám biển, Lý Sơn đã thành lập Nghiệp đoàn nghề cá ở 2 xã Anh Vĩnh và An Hải, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Ông Lê Khuân – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh cho biết: Cách đây 5 năm, việc đánh bắt hải sản của ngư dân Lý Sơn khá vất vả do thiếu các trang thiết bị hiện đại. Nay nhờ được đầu tư đồng bộ nên việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn, thu nhập cũng cao hơn. Bên cạnh đó, việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá đã làm cầu nối giúp ngư dân xích lại gần nhau, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, hoạn nạn khi khai thác thủy hải sản nơi khơi xa…
Ở Lý Sơn, ngoài nghề lặn hải sâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì những năm gần đây, nghề lưới vây rút chì phát triển mạnh và làm ăn khá hiệu quả tăng nguồn thu cho ngư dân. Nếu như trước đây chỉ có ít phương tiện hành nghề lưới vây rút chì, thì nay, số tàu thuyền làm nghề này đã lên đến hàng trăm chiếc. Ngư trường trước đây chủ yếu hoạt động trên vùng biển đảo Quảng Ngãi, nay đã mở rộng ra vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên…, nhất là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa – ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Lý Sơn đã phát triển thêm các phương tiện cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển nên việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn nhiều… Nhờ cung cách làm ăn này mà nhiều tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn vươn khơi xa khai thác thủy sản dài ngày trên biển, nên chỉ sau vài năm đã thu được vốn ban đầu; đồng thời đem lại thu nhập khá, với mức bình quân của ngư dân từ 70 đến 120 triệu đồng/người/năm.
Để kinh tế biển là mũi nhọn…
Cùng với những thuận lợi về ngư trường rộng lớn, nguồn hải sản dồi dào, ngư dân Lý Sơn cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, cũng như tiếp cận với các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá. Bởi, trên địa bàn huyện dù có hàng chục điểm thu mua, chế biến thủy hải sản và làm nước mắm, cung cấp xăng dầu, đá lạnh…, cho các phương tiện đi biển. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của các loại hình dịch vụ còn nhỏ lẻ, nên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của ngư dân.
Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, những năm qua, huyện đã vận động, khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển. Đặc biệt là để giúp ngư dân khắc phục khó khăn trong khai thác thủy sản, cũng như tạo đà cho ngành thủy sản của huyện tiếp tục phát triển, Lý Sơn kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá.
Cụ thể là huyện tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy, thu mua, chế biến hải sản ngay tại địa phương. Khuyến khích nhân dân phát triển các dịch vụ thu mua, sơ chế thủy hải sản với quy mô vừa và nhỏ, nhằm tạo sự đa dạng về các mặt hàng hải sản xuất khẩu, cũng như tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, huyện từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở vũng neo đậu tàu thuyền…, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu hậu cần cho các phương tiện khai thác hải sản.