Chưa kịp vui mừng vì vụ tôm thuận lợi, người nuôi tôm nước lợ (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) lại đứng ngồi không yên, vì giá bán tôm đột ngột giảm mạnh…
“Tuần trước, size tôm 95 – 100 con/kg có giá 105 nghìn đồng/kg, nhưng hai ngày nay giảm còn 85.000 đồng/kg. Đã vậy, thương lái thu mua cầm chừng, nên tôi lo giá tôm có thể tiếp tục giảm”, ông Nguyễn Đèo, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) cho biết. Vụ tôm năm nay, ông Đèo thả nuôi 150 nghìn con giống tôm thẻ chân trắng trên 3 hồ, với diện tích khoảng 2.000 m2, nằm giáp ranh giữa 2 xã Đức Phong (Mộ Đức) và Phổ An. Sau 80 ngày nuôi, ông Đèo thu hoạch gần 1 tấn tôm size 100 con/kg, thu được hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 25 triệu đồng. Hồ còn lại ông Đèo giữ để nâng size tôm, nhưng khi nghe thương lái thông báo giá chỉ còn 85.000 đồng/kg và sẽ tiếp tục giảm, nên ông Đèo cấp tập thu hoạch.
Người nuôi thu hoạch tôm bán cho thương lái. Ảnh: Đào Tư Hiền
Thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh bước vào vụ thu hoạch trong niềm vui xen lẫn âu lo. Vui vì sản lượng tôm đạt, lo vì giá bán tôm liên tục biến động theo hướng giảm, trong khi chi phí nuôi khá cao, nhất là giá thức ăn tăng từ 25 nghìn lên 40 nghìn đồng/kg. Chính vì vậy, với giá tôm thẻ chân trắng size 110 – 120 con/kg là 80 nghìn đồng/kg, size 80 – 85 con/kg là 110 nghìn đồng/kg, size 60 – 65 con/kg là 130 – 135 nghìn đồng/kg (bình quân mỗi loại size giảm 30 – 50 nghìn đồng/kg), thì người nuôi tôm lỗ công.
Theo tìm hiểu, tôm đột ngột giảm giá mạnh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến lượng khách du lịch giảm; cộng với một số địa phương trong nước áp dụng việc giãn cách để phòng dịch bệnh, nên nhà hàng, quán ăn đóng cửa. Vì vậy, sức tiêu thụ nội địa giảm, trong khi thị trường xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. “Người nuôi tôm bảo thương lái đang gom hàng hạ giá, nhưng thực ra chúng tôi cũng đang rất khó. Vì dịch Covid-19, nên bạn hàng Trung Quốc liên tục báo giảm đơn hàng, thậm chí cắt; trong khi các kho lạnh tôi thuê để bảo quản tôm đều đã đầy hàng, nên giờ không dám thu mua nhiều”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, thương lái thu mua tôm cho hay.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh ước đạt trên 2.480 tấn, tăng 133,6 tấn so với cùng kỳ. Thực tế, thực trạng “được mùa rớt giá” này đã được Bộ NN&PTNT dự báo tại Hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2021 và định hướng đến năm 2030 vừa được tổ chức vào 10.6. Bởi tình hình dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, trong đó có mặt hàng tôm bị đứt gãy ở nhiều thị trường, nên việc xuất khẩu gặp khó, còn sức tiêu thụ nội địa cũng chậm do bếp ăn tập thể cũng như nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng.
Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT khuyến khích người nuôi tôm cần đầu tư nuôi tôm theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong việc đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tôm ổn định, bền vững.
Thanh Phong
Nguồn: Báo Quảng Ngãi