(TSVN) – Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai các giải pháp kiểm soát hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, đồng thời tăng cường thực thi các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngày 12/4/2025, trong quá trình tuần tra trên vùng biển phía Đông Nam Đầu Tán (thuộc xã Vĩnh Thực), Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vạn Gia phát hiện tàu cá vỏ gỗ mang biển kiểm soát HP-92666-TS hoạt động khai thác bằng nghề lưới rê tại khu vực ven bờ – khu vực không được phép đối với tàu có chiều dài lớn. Tàu này có chiều dài 23,4m, rộng 6,7m, lắp máy công suất 510CV. Qua làm việc, thuyền trưởng đã thừa nhận hành vi sai phạm và xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan.
Cùng ngày, một trường hợp khác cũng bị phát hiện vi phạm. Tàu cá QN-90155-TS (chiều dài 15,2m, công suất 350CV) do một ngư dân địa phương điều khiển, trong hành trình từ vùng biển Trà Cổ ra Đảo Trần, đã bị phát hiện tàng trữ một bộ kích điện đã qua sử dụng tại khoang máy. Mặc dù thuyền trưởng đã xuất trình đủ giấy tờ về phương tiện và cá nhân, nhưng hành vi tàng trữ công cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn bị xử phạt nghiêm.
Ảnh minh họa
Căn cứ quy định hiện hành, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với thuyền trưởng tàu QN-90155-TS với mức phạt 12,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật vi phạm. Đối với vụ việc liên quan đến tàu HP-92666-TS, hồ sơ đã được đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt 25 triệu đồng do hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn để khai thác trái phép tại vùng ven bờ.
Không chỉ trên biển, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trái phép cũng đang là vấn đề đáng chú ý tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tại TP Hạ Long, nhiều hộ dân vẫn tự ý dựng bè, đóng cọc, thả dây nuôi trồng thủy sản ở các khu vực biển chưa được quy hoạch.
Trước tình hình đó, UBND thành phố đã ban hành văn bản yêu cầu các phường Tuần Châu, Hùng Thắng và Hà Khẩu phối hợp cùng lực lượng chức năng tiến hành xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Gần đây, các đơn vị đã tổ chức ra quân tháo dỡ toàn bộ hệ thống bè nuôi, cọc gỗ, dây treo trái phép và yêu cầu các hộ dân cam kết không tái vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh, chỉ riêng trong tháng 4/2025, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 44 trường hợp vi phạm liên quan đến khai thác, nuôi trồng thủy sản trái phép và vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến hoạt động không đúng vùng khai thác, không có giấy phép, sử dụng công cụ bị cấm, hoặc không đảm bảo kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Song song với công tác xử lý, các lực lượng chuyên trách và chính quyền các cấp còn tổ chức 19 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho hơn 1.200 ngư dân. Hơn 1.200 tờ rơi, bản đồ phân vùng, nhật ký khai thác… cũng được phát đến tay người dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong hoạt động nghề cá.
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 6.192 tàu cá đang hoạt động, trong đó 3.543 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m – nhóm phương tiện phải đăng ký và xin cấp giấy phép khai thác. Trong nhóm này, đã có 3.329 tàu được cấp phép. Đối với nhóm tàu từ 12m đến dưới 15m, có 459/481 tàu đã được cấp giấy phép; nhóm tàu có chiều dài từ 15m trở lên cũng đạt tỷ lệ cấp phép cao, với 266/270 tàu hoàn thành thủ tục.
Hằng tuần, lực lượng chức năng đều lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU hoặc mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày, gửi đến các cấp chính quyền, cơ quan quân sự và biên phòng để phối hợp giám sát, kiểm tra và xác minh theo quy định.
Những biện pháp đồng bộ từ tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm đến siết chặt quản lý phương tiện cho thấy quyết tâm cao của Quảng Ninh trong việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về chống khai thác IUU. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng hướng tới mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) đang áp dụng đối với ngành thủy sản nước ta.
Nhật Hạ