Kể từ khi tôm thẻ chân trắng được nuôi ở Việt Nam thì Quảng Ninh là một trong những địa phương nuôi loại tôm này thành công nhất cả nước.
Tình hình sản xuất
Quảng Ninh là tỉnh lớn ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, diện tích 8.239,243 km2, có bờ biển dài 250 km với nhiều vũng, vịnh kín gió, nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng được thiên nhiên ưu đãi. Là một trong những địa phương có ngành thủy sản phát triển mạnh của cả nước với các nghề nuôi như nuôi cá lồng bè, nhuyễn thể, trai ngọc và đặc biệt là nghề nuôi tôm phát triển khá mạnh với 2 đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Năm 2010, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 8.766 ha, trong đó: diện tích nuôi TTCT 2.414 ha, diện tích nuôi tôm sú là 6.352 ha. Tính đến tháng 8 năm 2011, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh là 8.838 ha, trong đó: nuôi TTCT là 2.689 ha, tôm sú là 6.149 ha. Tổng sản lượng tôm đạt 3.432 tấn: TTCT 2.869 tấn, tôm sú 663 tấn.
Thu hoạch tôm ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh – Ảnh: Huy Hùng
Năm 2011, Quảng Ninh có 8 đơn vị tham gia sản xuất và cung ứng tôm giống, trong đó 4 trại sản xuất TTCT, 3 trại sản xuất để kinh doanh, 1 trại sản xuất phục vụ tại đầm nuôi cơ sở. Các trại giống đã sản xuất ra 170 triệu con giống các loại, trong đó TTCT là 140 triệu con, tôm sú 20 triệu con, tôm càng xanh 10 triệu con. TTCT chủ yếu được nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Loại tôm này được tập trung phát triển nhiều tại các địa phương như: Móng Cái, Hoành Bồ, Yên Hưng, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn…
Thời vụ – Công nghệ nuôi
TTCT có những ưu điểm nổi bật hơn so với loài tôm khác và phù hợp với thời tiết khí hậu miền Bắc, đặc biệt khả năng chịu lạnh tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, chịu đựng được độ muối rộng, chu kỳ nuôi ngắn, thời gian quay vòng nhanh, có thể nuôi 2 vụ/năm. TTCT cho năng suất cao, phù hợp với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và các vùng nuôi tôm công nghiệp, vùng nuôi tập trung theo quy mô lớn.
Với những ưu điểm phù hợp với khí hậu, điều kiện địa hình của tỉnh Quảng Ninh, TTCT đã làm chuyển dịch cơ cấu mùa vụ. Từ chỗ trước đây chỉ nuôi được 1 vụ/năm đến nay đã nuôi được 2 vụ/năm. Hơn nữa, công nghệ nuôi cũng được nâng lên, trước diện tích nuôi tôm chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nay chuyển sang bán thâm canh, thâm canh. Các vùng nuôi tôm ở Quảng Ninh áp dụng các kỹ thuật thâm canh tôm của Trung Quốc, Thái Lan và sử dụng công nghệ vi sinh cho năng suất cao.
>> Năm 2010, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước gần 25.000 ha (tăng 30% so với 2009), sản lượng đạt 135.000 tấn (tăng 50% so 2009). Nuôi tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh (gần 4.000 ha) và các tỉnh Nam Trung bộ (gần 7.000 ha) với hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh. |