Hiện nay, mặc dù diện tích tôm nuôi bị chết tại TP Móng Cái đã giảm lây lan rộng, tuy nhiên thời tiết còn diễn biến khó lường; nên công tác phòng chống dịch bệnh vẫn rất cấp thiết.
Cùng đó, chất lượng tôm giống nhập vào tỉnh chưa được kiểm soát tốt; nhiều hộ nuôi không thực hiện khai báo dịch bệnh, xả nước thải, tôm chết, tôm bệnh, nghi nhiễm bệnh, chết chưa rõ nguyên nhân ra môi trường bên ngoài… dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT sớm ban hành văn bản yêu cầu UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên thủy sản; kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; kiên quyết xử lý các cơ sở nuôi không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh, tự ý xả thải nước, thủy sản nhiễm bệnh ra ngoài môi trường…
Tôm chết rải rác tại nhiều địa phương – Ảnh: Thanh Ngân
Sở NN&PTNT đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xác nhận một số loại bệnh dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (đốm trắng, đầu vàng và hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng; hoại tử thần kinh trên cá song, cá vược; bệnh do ký sinh trùng Perkinsus marinus, Perkinsus olseni trên ngao, nghêu và tu hài) được hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định của Bộ NN&PTNT. Đây là cơ sở để hỗ trợ thiệt hại rủi ro về dịch bệnh để người nuôi khôi phục sản xuất.
Được biết, từ cuối tháng 4 đã xảy ra hiện tượng tôm nuôi bị chết rải rác do dịch bệnh tại 9 xã, phường của TP Móng Cái gồm: Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Ninh Dương, Vạn Ninh, Hải Hòa, Trà Cổ và Bình Ngọc.