Bắt nhịp với xu hướng số hóa, thời gian qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng các trang thiết bị hiện đại trong khai thác thủy sản. Từ đó, nâng cao hiệu quả đánh bắt, đảm bảo an toàn hàng hải trong quá trình hoạt động trên biển.
Tàu cá của ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác thủy sản – Ảnh: L.A
Nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, giảm thời gian di chuyển đến ngư trường, năm 2023, ngư dân Nguyễn Văn Ngọc ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ tàu cá số hiệu QT 92756TS đã đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt thiết bị lái tự động cho tàu cá của mình. Ông Ngọc cho biết, thiết bị lái tự động bao gồm 4 thành phần chính là la bàn điện tử tích hợp GPS có độ chính xác cao trong nhiều loại thời tiết khác nhau với sai số +/- 0,050,giúp xác định vị trí và ổn định hướng hành trình; màn hình điều khiển có kích thước 7 inch tích hợp hệ thống xử lý dữ liệu; bộ phản hồi góc bánh lái được thiết kế phù hợp với các hệ thống lái và vô lăng ly hợp chuẩn hàng hải.
Theo ông Ngọc, ưu điểm của thiết bị lái tự động là dễ thao tác, chỉ cần chọn hướng đi hoặc tọa độ điểm đến trên màn hình với khả năng lưu điểm lên tới 20 điểm. Điều khiển bằng 4 chế độ lái linh hoạt gồm: lái bằng vô lăng; lái bằng Remote; lái theo hướng; lái theo điểm. Trong đó, chức năng lái bằng Remote giúp người lái tàu có thể di chuyển ra xa khỏi buồng lái mà vẫn có thể điều khiển được tàu cá như khi lái bằng vô lăng.
Ngoài ra, để đảm bảo độ an toàn khi lái tự động, thiết bị còn có các chức năng báo động cảnh giới cho thuyền trưởng như: báo động lệch hướng, quá tải bánh lái, cảm biến chuyển động, cảnh báo tốc độ hành trình và báo động đến điểm đến… Đặc biệt, thiết bị còn có cảm biến báo động chống ngủ quên; báo động khi phát hiện không có người cảnh giới trên ca bin nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Ông Ngọc cho biết, tàu cá của ông có công suất trên 400 CV làm nghề khai thác lưới rê bùng nhùng ở vùng khơi và thường xuyên tham gia khai thác ở vùng biển xa. Khó khăn lớn nhất đối với ông cũng như những tàu cá khác, đó là việc phải lái tàu liên tục trong hàng chục giờ đồng hồ, đôi lúc ngủ quên dễ mất lái, lệch tọa độ điểm đến dẫn đến mất an toàn cho tàu cá, tiêu tốn nhiên liệu.
Nhưng từ khi lắp đặt thiết bị lái tự động, ông chỉ cần chọn hướng đi hoặc cài đặt tọa độ điểm đến là máy tự điều khiển tàu cá đến đúng địa điểm với quãng đường ngắn nhất. Qua đó, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người lái mà còn giảm thời gian di chuyển tới ngư trường, tiết kiệm nhiên liệu, tối đa hóa lợi nhuận cho mỗi chuyến biển.
“Bình quân mỗi chuyến biển tôi giảm được khoảng 4 – 5 triệu đồng tiền nhiên liệu so với trước đây. Đặc biệt, không còn cảnh phải thường xuyên nhìn la bàn để điều chỉnh hướng lái. Chưa kể tranh thủ thời gian rảnh trên biển tôi còn được nghỉ ngơi hay làm những công việc khác mà không phải sợ tàu cá bị lệch hướng như trước đây”, ông Ngọc cho hay.
Còn với ngư dân Bùi Đình Chiến ở thị trấn Cửa Việt, chủ của 3 tàu cá có chiều dài trên 15 m cho biết, trước đây, mỗi khi ra khơi các tàu cá của ông thường mất tín hiệu không liên lạc được với gia đình và trạm bờ của Chi cục Thủy sản. Nhưng từ khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tín hiệu được cập nhật vào đất liền 24/24 giờ.
Toàn bộ quá trình hoạt động trên biển đều được cập nhật trên hệ thống và chủ tàu có thể dễ dàng kiểm tra trong ứng dụng trên điện thoại, từ đó có lộ trình khai thác hiệu quả. Ngoài ra, khi gặp thời tiết bất lợi hay tàu cá gặp nạn trên biển, thiết bị định vị sẽ nhanh chóng phát tín hiệu hỗ trợ, lực lượng cứu nạn sẽ dễ dàng tìm đến chính xác vị trí tàu cá.
“Từ khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không cần theo tàu cá ra khơi. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, tôi ở nhà vẫn biết chính xác vị trí các tàu cá của mình đang đánh bắt trên biển. Một khi tàu cá đến khai thác ở khu vực không được phép, thiết bị sẽ phát tín hiệu cảnh báo để chúng tôi kiểm soát vùng biển khai thác”, ông Chiến cho biết thêm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng, những năm gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác thủy sản như máy định vị vệ tinh trên tàu cá; máy dò cá bằng sóng siêu âm được nâng cấp, cải tiến qua các thế hệ như: dò đứng, dò ngang và dò chụp; máy ra đa để quản lý lưới, tránh va trên biển; máy nhận dạng tự động AIS để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển; máy thông tin liên lạc sóng ngắn HF, máy thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa và đến nay đã áp dụng máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh…
Đối với công tác quản lý tàu cá, đến nay đã có 188/190 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 98,94%. Đã cập nhật dữ liệu cho 440 tàu cá vào Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) nghề cá quốc gia (VNFishbase), đạt 100%. Đây là CSDL khá toàn diện, quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hạn ngạch khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản; dữ liệu về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; dữ liệu về nhật ký, báo cáo khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác…
Mỗi khi tàu cập cảng, ngư dân làm thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, chỉ cần nhập số hiệu tàu cá lên Hệ thống VNFishbase là biết được hành trình của tàu cá khai thác trên biển, để làm căn cứ xác nhận nguồn gốc thủy sản. Thông qua Hệ thống VNFishbase nhằm mục tiêu giám sát, quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, tới đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân.
Theo ông Thặng, hiện tại Chi cục Thủy sản đang cùng với các đơn vị liên quan triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác điện tử (CDT VN) chạy trên các hệ điều hành IOS và Android để thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, cấp giấy biên nhận, giấy chứng nhận nguyên liệu và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
Đây là phần mềm ứng dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử do Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng và đưa vào triển khai áp dụng trên toàn quốc; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thủy sản khai thác trong nước.
Ứng dụng sẽ đảm bảo chức năng của tất cả các bên tham gia bao gồm: ngư dân, nhà máy chế biến thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá, lực lượng biên phòng, chi cục thủy sản theo đúng quy trình của pháp luật, giúp minh bạch hóa các bước truy xuất nguồn gốc, tiến tới tự động hóa hoàn toàn quy trình để thay thế cho việc truy xuất trên bản giấy như hiện nay.
Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC) đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị