(TSVN) – Thời gian qua, người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng phát triển mới cho ngành thủy sản.
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và lựa chọn các mô hình phù hợp, anh Trần Ngọc Điệp ở thôn Hà Trung, Xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thành công với mô hình nuôi ếch trong lồng lưới trên mặt ao kết hợp nuôi cá dưới.
Thả giống cua đồng nuôi thử nghiệm trên ruộng lúa tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy – Ảnh: Anh Vũ
Ban đầu anh thử nghiệm nuôi với 10.000 con ếch giống trong 8 lồng nuôi ếch trên ao nuôi cá của gia đình. Đàn ếch của gia đình anh Điệp phát triển nhanh, ít bị hao hụt, tỷ lệ sống cao đạt trên 85%… sau thời gian nuôi 2 tháng 10 ngày, đàn ếch có trọng lượng từ 250 – 270 gam/con, sau khi trừ chi phí, lãi được 50 triệu đồng. Anh Điệp quyết định mở rộng mô hình nuôi ếch lên 2 vạn con kết hợp với nuôi cá rô phi. Sau hơn 2 tháng nuôi, anh Điệp thu được từ 4 – 6 tấn ếch thịt, với giá bán cho thương lái tại chỗ từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Điệp thu lãi từ 100 – 150 triệu từ nuôi ếch thịt.
“Nuôi ếch thương phẩm không khó, điều quan trọng là phải nắm bắt được kỹ thuật và chịu khó quan sát. Ếch nuôi thương phẩm từ 2 đến 3 tháng sẽ cho thu hoạch và đạt trọng lượng từ 3 – 5 con/kg. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình phát triển của ếch, không để nguồn nước trong ao nuôi bị ô nhiễm, tăng cường các khoáng chất đề kháng và cân đối lượng thức ăn hợp lý, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường”.
Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá giúp đa dạng thêm hình thức nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, mô hình dễ thực hiện, đem lại lợi nhuận cao, thời gian quay vòng nhanh, rất phù hợp với cơ sở nuôi có ít đất sản xuất; giảm ô nhiễm môi trường…
Mô hình nuôi cua đồng được Phòng NN&PTNT huyện Cam Lộ phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ triển khai trên diện tích 2 sào tại hộ gia đình ông Trần Văn Thắng thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ.
Khu vực này trước đây là hồ nuôi cá nước ngọt được cải tạo, gia cố bờ bao để ngăn không cho cua bò ra ngoài. Ông Thắng cho biết, mặc dù mới nuôi lần đầu, chưa có kinh nghiệm, giai đoạn cua lột xác gặp mưa nhiều nên có bị chết nhưng năng suất khá cao. Sau 5 tháng thả nuôi, mô hình thử nghiệm nuôi cua đồng ở đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khoảng từ 2 -2,5 tạ/sào. Cua được thương lái đến mua tại hồ với giá 80.000 đồng/kg, so với nuôi cá lãi hơn 1,5 lần.
“Hiện nay cua được các thương lái thu mua đưa ra các tỉnh phía Bắc với số lượng lớn, có bao nhiêu mua bấy nhiêu nên không lo về đầu ra. Sau vụ nuôi này, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thêm trên ruộng lúa”, ông Thắng cho biết thêm.
Sau khi người dân thu hoạch xong, ngành nông nghiệp huyện Cam Lộ sẽ đánh giá hiệu quả cụ thể, xây dựng quy trình chặt chẽ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Trên đây chỉ là số ít các mô hình chăn nuôi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định và mở ra một hướng đi mới, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân địa phương tỉnh Quảng Trị.
Anh Vũ