Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 31/12/2015, Bộ NN&PTNT đã chính thức phê duyệt quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây được coi là cơ sở đề nghề nuôi tôm toàn vùng đạt được giá trị sản xuất tốt đa, hiệu quả và bền vững.

Tăng năng suất, tăng giá trị

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đạt 650.000 ha; trong đó, tôm sú  560.000 ha (thâm canh, bán thâm canh đạt 65.000 ha); tôm thẻ chân trắng 90.000 ha. Tổng sản lượng 700.000 – 825.000 tấn; trong đó, tôm sú 350.000 – 375.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 350.000 – 450.000 tấn. Giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD. Thu hút nguồn lực lao động khoảng 1,2 triệu người.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi toàn vùng 670.000 ha; trong đó, tôm sú 570.000 ha (thâm canh, bán thâm canh 70.000 ha), TTCT 100.000 ha. Tổng sản lượng 850.000 – 900.000 tấn; trong đó, tôm sú 400.000 – 450.000 tấn, TTCT 450.000 – 500.000 tấn. Giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD. Thu hút khoảng 1,3 triệu lao động.

nuôi tôm nước lợ ĐBSCL

Về con giống, đến năm 2020, 100% tôm giống thương phẩm (sú, thẻ chân trắng) đạt chất lượng, sạch bệnh và sản xuất tại các địa phương trong vùng đạt 50%. Đến năm 2030, chủ động hoàn toàn nguồn tôm giống tại chỗ. Năm 2020, nhu cầu giống tôm nước lợ toàn vùng cần khoảng 120 tỷ con (tôm sú khoảng 40 tỷ con giống, TTCT khoảng 80 tỷ con giống) và năm 2030, tổng nhu cầu giống tôm nước lợ khoảng 160 tỷ con giống (sú khoảng 60 tỷ con, TTCT khoảng 100 tỷ con).

Cùng đó, sẽ quy hoạch khu vực sản xuất giống tập trung. Trong đó, vùng sản xuất giống có quy mô lớn hơn 50 ha tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; các khu sản xuất giống tập trung quy mô nhỏ hơn 50 ha tại Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Tiền Giang.

 

Giải pháp thực hiện

Để đảm bảo quy hoạch được thực hiện suôn sẻ, về cơ chế chính sách cần phải được khai thông và thực hiện đồng bộ. Theo đó, ngân sách nhà nước cùng các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung, hệ thống thủy lợi, khu xử lý nước thải, chất thải ở các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung. Các tổ chức, cá nhân được vay vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh tôm nước lợ theo quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nuôi và chế biến tôm nước lợ theo hình thức đối tác công tư và các chính sách khuyến khích khác.

Cùng đó, duy trì các thị trường truyền thống, có tỷ trọng xuất khẩu tôm lớn. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường, dung lượng thị trường và thị hiếu tiêu dùng sản phẩm tôm nước lợ để chủ động trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đa dạng hóa các sản phẩm tôm nước lợ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến tiêu thụ tôm nước lợ chủ động xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm tôm nước lợ của Việt Nam, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng…

Mặt khác, sẽ khuyến khích hình thành các mô hình liên kết dọc (theo chuỗi giá trị sản phẩm) và liên kết ngang (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tôm nước lợ để phục vụ sản xuất và quản lý. Tiến hành đánh số vùng nuôi, cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn khác theo quy định…

>> Theo quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh đến năm 2020 là 90.000 ha và tăng lên 100.000 ha vào năm 2030. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi siêu thâm canh với quy mô doanh nghiệp và quy mô hộ gia đình trong các vùng quy hoạch.

Tiêu chí quy hoạch: Có nguồn nước đảm bảo về số lượng và chất lượng; Đảm bảo chủ động về nguồn điện và hệ thống giao thông; Không bị ảnh hưởng bởi chất thải từ các khu dân cư và hoạt động của các ngành kinh tế khác trong vùng; Đối với diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong Quy chuẩn Việt Nam.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!