Quy trình nuôi hải sâm cát thương phẩm trong ao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo TS Nguyễn Đình Quang Duy, chuyên gia hải sâm thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, hiện các vùng nuôi từ tỉnh Bình Thuận đến Quảng Ngãi thả nuôi hải sâm sẽ rất hiệu quả. Bởi, các vùng này có độ mặn, nhiệt độ ổn định, rất thích hợp cho hải sâm sinh trưởng và phát triển.

Chuẩn bị ao nuôi 

Ao nuôi hải sâm cát có diện tích khoảng 5.000 – 10.000 m2. Ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn. Vì vậy, ao nuôi phải được thay nước thường xuyên, vừa để tránh ô nhiễm, vừa cung cấp thức ăn cho hải sâm nên chọn ao có vị trí gần biển, dễ thay nước theo thủy triều và có độ mặn ổn định. 

Điều kiện môi trường: Độ mặn 25 – 30‰; pH: 7,5 – 8,5; nhiệt độ nước 26 – 29oC; độ sâu mực nước ao 1,2 m; đáy ao là bùn cát. 

Mô hình nuôi hải sâm cát dần được phát triển, tạo thu nhập khá cho người dân. Ảnh: VSCC

Cải tạo ao: Do hải sâm cát di chuyển chậm nên để tránh bị địch hại tấn công, cần diệt tạp, các loại địch hại trước khi thả giống. Ngoài ra, khi cải tạo ao nuôi hải sâm cát, nên bón thêm vôi để bổ sung thêm canxi và diệt tạp trong ao. Liều lượng bón vôi khoảng 200 kg/ha. Thức ăn của hải sâm cát là chất mùn bã hữu cơ có trong đáy ao nên khi cải tạo ao, lưu ý không nên cải tạo ao quá sạch vì như vậy sẽ làm mất đi lượng thức ăn của hải sâm. Sau khi bón vôi diệt tạp, phơi khô ao khoảng 3 đến 4 ngày có thể thả nuôi hải sâm. Trên ao bố trí các giàn đập để cung cấp thêm ôxy cho hải sâm cát. Lưu ý, khi làm cống lấy nước cần có hệ thống lưới chắn để ngăn rác và địch hại vào trong ao. 

Thả giống 

Chọn giống: Con giống sạch bệnh, màu sắc tươi sáng. Hải sâm cát giống thường có màu nâu hoặc màu đen. Hải sâm giống nên mua ở những trung tâm sản xuất giống uy tín, kích cỡ giống từ 2 – 20 g/con. 

Vận chuyển con giống: Cần tính quãng đường đi để chọn phương pháp vận chuyển phù hợp. Nếu phải đưa con giống đến nơi xa khoảng 100 km trở lên nên vận chuyển bằng túi nilon có ôxy. Nếu ao nuôi ở gần cơ sở sản xuất giống dùng phương pháp vận chuyển hở. Dùng thùng xốp có chọc lỗ nhỏ, bắt hải sâm giống vào thùng. Những lỗ nhỏ trên thùng xốp có tác dụng thoát nước vì khi bắt hải sâm giống sẽ mang theo nước vào thùng. Chú ý, tránh không để nắng chiếu trực tiếp vào hải sâm giống. 

Thả giống: Khi thả hải sâm giống, để chống sốc cho hải sâm giống, cần cân bằng nhiệt độ và độ mặn trong thùng giống với môi trường ao. Tiến hành ngâm thùng giống xuống ao, chờ khi con giống hoạt động linh hoạt thì tiến hành thả giống, thả cách xa bờ để tránh hải sâm bị xây xát. Mật độ thả 1 – 2 con/m2

Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều tối để đảm bảo trời mát, nhiệt độ phù hợp, hải sâm không bị sốc nhiệt hoặc độ mặn. Ngoài ra cần lưu ý, nếu có ao nuôi hải sâm cát nằm trong vùng có độ mặn thấp vào mùa mưa thì nên thả giống có kích cỡ lớn để thời gian nuôi rút ngắn lại. Còn với những ao nuôi ổn định về nhiệt độ, độ mặn thì có thể thả con giống quanh năm và chọn con giống kích cỡ nhỏ hơn để giảm chi phí đầu vào. 

Quản lý chăm sóc 

Thay đổi nước thường xuyên: Quá trình thay nước này sẽ bổ sung ôxy và tăng cường dinh dưỡng, mùn bã hữu cơ từ tự nhiên vào ao. Điều đó cũng giúp hải sâm cát giảm nguy cơ nhiễm bệnh. 

Dọn bắt các sinh vật lạ: Đối với hải sâm nhỏ, mới thả nuôi, sức đề kháng yếu, không có khả năng phòng thủ và tốc độ lẩn trốn chậm nên người nuôi cần chú ý thường xuyên kiểm tra ao để vớt dọn rong rêu, tránh để ao bị yếm khí và bắt các loài địch hại như ốc, cua, tôm.. 

Kiểm tra độ mặn: Cần đảm bảo độ mặn ổn định bằng cách đo độ mặn hằng ngày. Đặc biệt vào mùa mưa. Khi trời mưa thì nước mưa sẽ làm độ mặn bị phân tầng và giảm độ mặn phía trên, làm nóng phần đáy do phần trên sẽ làm một cái thấu kính chiếu xuống đáy. Sau khi trời nắng lại sẽ làm nền đáy nóng kết hợp với việc yếm khí sẽ làm cho hải sâm chết rất nhanh. Để hạn chế, có thể xử lý bằng cách tắt hết các quạt đảo nước trong ao, xả nước tầng mặt sau đó cấp nước lại. 

Kiểm tra thường xuyên tốc độ lớn của hải sâm cát: Ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn. Thời gian nuôi thường là từ 8 – 10 tháng. Nếu hải sâm cát phát triển chậm lại do lượng mùn bã hữu cơ trong ao không đủ có thể bổ sung thêm thức ăn có nguồn gốc hữu cơ cho hải sâm. 

Hải sâm ít mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu nước ở trong ao ít được thay, ao bị yếm khí sẽ gây một số bệnh trên hải sâm như bệnh lở loét. Để khắc phục tình trạng này, bà con cần thay nước mới cho ao, bật quạt đảo nước để cung cấp thêm ôxy, khắc phục tình trạng yếm khí ở tầng đáy. 

Hoàng Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!